Chính thức: Nghề gác kèo ong được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Chúc Ly Thứ năm, ngày 18/06/2020 11:01 AM (GMT+7)
Tối 17/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với Nghề gác kèo ong thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Bình luận 0

Nhằm ghi nhận sự sáng tạo và mang tính đặc trưng của người dân vùng đất rừng U Minh Hạ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. 

Đây là động lực để những người gắn bó với nghề này có điều kiện phát triển kinh tế bền vững và góp phần cho công tác bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.

Trước đó, vào năm 2019, UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Nghề gác kèo ong được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 1.

Nghề gác kèo ong được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ảnh: Chúc Ly.

Theo đó, Cà Mau đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với hai nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương là gác kèo ong, muối ba khía.  

Ngoài ra, theo lộ trình, Cà Mau sẽ tiếp tục lập hồ sơ trình duyệt đối với các di sản là lễ hội như: Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020); Lễ hội đền thờ Vua Hùng (năm 2021); Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022); Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023); Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).

Trong từng năm, Cà Mau sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với các di sản nói trên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức, chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của bảo tàng.

Năm 2025, Cà Mau sẽ tổ chức kiểm kê trên địa bàn tỉnh nhằm xác định lại danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần đưa vào danh mục Quốc gia, cấp tỉnh, hoặc đưa ra khỏi danh mục đã được phê duyệt. 

Từ năm 2026 - 2030, mỗi năm xây dựng ít nhất một hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị bổ sung vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng, thực hiện ít nhất một kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trong năm trước liền kề.

Nghề gác kèo ong được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - Ảnh 2.

Từ nghề gác kèo ong, tỉnh Cà Mau có được đặc sản mật ong rừng U Minh thượng hạng. Ảnh: Chúc Ly.

Nghề gác kèo ong ở huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau là nghề truyền thống lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh Hạ.

Theo những người lớn tuổi ở U Minh Hạ, nghề thì gác kèo ong hình thành rất sớm, từ những ngày đầu tiên con người đặt chân đến vùng đất này khai hoang mở cõi khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XIX.

Khi hoa tràm rừng U Minh Hạ nở rộ thì hàng đàn ong mật bay về làm tổ, những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà. Từ đó, họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong và nghề gác kèo ong ra đời như vậy. Đây là một hình thức mô tả quá trình dựng nhà để dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường để con ong đến sinh sống.

Dần dần, tại đây hình thành các tổ chức gác kèo ong gọi là đoàn "Phong ngạn". Mỗi người trong đoàn được giao một phần rừng để gác kèo và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng. Các đoàn Phong ngạn có tổ chức chặt chẽ, có những điều luật bất thành văn nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp.

Từ nghề gác kèo ong, tỉnh Cà Mau có được đặc sản mật ong rừng U Minh thượng hạng. Mật ong U Minh đã nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng khó nơi nào sánh được. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem