Ngày 23/12 ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Cà Mau cho biết, hai nghề truyền thống gác kèo ong thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời; muối ba khía Gạch Gốc tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo ông Hùng, quyết định công nhận được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký gần đây. Cà Mau sẽ sớm làm lễ công bố và trao quyết định về hai di sản văn hóa này. Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch.
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) từ lâu nổi tiếng cả nước bởi chất lượng mật hảo hạng. Và gác kèo ong là nghề truyền thống lâu đời, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Gác kèo ong ở U Minh là nghề truyền thống đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, kinh nghiệm. Ảnh: CL.
Kèo ong được làm bằng cây tràm già dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm mấu. Người gác kèo phải chọn nơi tràm trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, người thợ ong gác chiếc kèo xiên lên cây tràm, rồi dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng.
Việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, không phải ai gác ong cũng đến làm tổ. Người ăn ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho có ánh mặt trời rọi vào hai cả hai bên của kèo, nghĩa là ở buổi nào, cũng phải có ánh mặt trời chiếu vào, kèo được gác chếch cỡ tầm đầu người.
Ba khía Gạch Gốc muối là một đặc sản nổi tiếng của Cà Mau. Ảnh: M.H.
Còn ba khía muối lại là một đặc sản nổi tiếng của người Cà Mau ở vùng nước mặn. Ba khía thuộc họ nhà cua, nhưng sống chủ yếu ở hai bên bờ rạch hoặc trên những vạt rừng đước, mắm,.. Ba khía thường đào hang ở những vạt rừng khô, những bờ vuông của người dân. Để bắt được ba khía, ta cần trang bị bao tay, thùng đựng và đèn, vì người dân chủ yếu bắt ba khía là vào ban đêm. Ba khía Gạch Gốc được xem là loại ba khía ngon nhất.
Mỗi người sẽ có bí quyết khác nhau nhưng cơ bản có 2 cách muối ba khía. Cách thứ nhất là rửa sạch ba khía, đem phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi đưa trực tiếp đưa ba khía vào muối luôn. Cách thứ 2, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm giết ba khía chết, sau 5 đến 7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi đúng độ, để nguội, rồi pha chế với đường chảy, bột ngọt, tỏi để muối ba khía.
Theo những người dày dặn kinh nghiệm trong việc muối ba khia cho hay, muốn chế biến cho con ba khía muối ngon thì sau khi rửa sạch và tách ba khía, chúng ta phải cho nước chanh vào trước, trộn đều và để khoảng 15 phút, sau đó lần lượt đưa các gia vị: tỏi, ớt, đường, bột ngọt, rau răm rồi trộn đều.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh này đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Cà Mau dự chi kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỷ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng.
Theo đó, Cà Mau sẽ lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với các di sản: Nghề truyền thống gác kèo ong và nghề truyền thống muối ba khía (năm 2019), lễ hội nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020), lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.