4h ngày 28/6, chị Trịnh Thu Hằng đã cùng các thành viên trong nhóm chợ chung cư, thuộc khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chuẩn bị từng suất ăn sáng, giao đến hộ gia đình có con, em thi tốt nghiệp THPT 2023.
Mỗi suất ăn gồm xôi gấc hoặc xôi đỗ, thêm sữa, nước ép hoặc cam vắt và hoa quả. Từ hôm trước, nhóm đã bàn bạc và thống nhất chọn táo, cherry làm món tráng miệng, đặt xôi ngon nổi tiếng từ Phú Thượng.
Đúng 5h, các thành viên bắt đầu phân phát các suất quà đến từng căn hộ trong khu đô thị.
"Có những thí sinh phải đến các điểm thi xa như ở huyện Gia Lâm, hay các quận Bắc và Nam Từ Liêm, nên chúng tôi đã chuẩn bị đồ ăn thật sớm", người phụ nữ nói.
Bất ngờ nhận món quà trước khi rời nhà, em Đặng Lê Phương Linh (18 tuổi) nói như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành tốt bài thi.
"Bữa ăn sáng đơn giản, nhưng giúp chúng em phấn khởi, tự tin, vì biết bên cạnh có gia đình và những người quan tâm luôn dõi theo", Linh nói.
Thay mặt hai cháu nội sinh đôi nhận suất ăn sáng, ông Hoàng Huy Kiện cảm động, nhắn tin cảm ơn nhóm của chị Hằng. "Đây thật sự là nguồn động viên tinh thần lớn cho gia đình và hai cháu", ông Kiện bày tỏ.
Hoạt động tiếp sức mùa thi của nhóm chợ chung cư đã được duy trì 4-5 năm. Hàng năm, họ hỗ trợ từ 80 đến 100 suất ăn sáng cho các sĩ tử.
Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố lịch thi, trưởng nhóm sẽ đăng lên nhóm Facebook để các gia đình có con, em tham gia kỳ thi, đăng ký các phần quà. Sau khi tổng kết số lượng, nhóm lên kế hoạch, phân chia từng thành viên phụ trách từng công việc.
"Chúng tôi mong rằng từng suất ăn sáng sẽ thay lời chúc thi tốt, no bụng, tràn đầy năng lượng tới các thí sinh. Bởi đây là một trong những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời", chị Hằng chia sẻ.
Nhận những lời cảm ơn cùng nụ cười của thí sinh và phụ huynh, các thành viên của nhóm chợ chung cư cảm thấy hạnh phúc, vui cùng niềm vui chung của gia đình. Họ hy vọng việc làm tuy nhỏ, nhưng giúp lan tỏa sự quan tâm yêu thương và tình làng nghĩa xóm.
"Mọi người thường nói ở chung cư nhà nào biết nhà đó, nhưng tại đây, hoạt động gắn kết cộng đồng luôn được duy trì từ Ban quản trị, Tổ dân phố các tòa nhà, cho đến nhóm chợ", trưởng nhóm cho hay.
Chị Hằng chuyển đến sống tại khu đô thị Royal City từ năm 2014. Hai năm sau, nhóm chợ chung cư của chị được thành lập, lấy tên "Chợ Bản Royal".
Xuất phát từ nhu cầu các hộ dân đều được gia đình ở quê gửi lên nhiều rau, quả, thịt mà không biết làm thế nào để phân phối đến cư dân, nhóm chợ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu mua - bán, trao đổi hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội bộ chung cư.
Từ một vài thành viên ban đầu, đến nay nhóm có 7.000 thành viên, chiếm 99% cư dân, 1% là chủ sở hữu căn hộ nhưng đã cho thuê lại.
Ngoài hoạt động mua bán và trao đổi, chị Hằng đã khởi xướng hoạt động thiện nguyện thông qua quỹ tiểu thương và chương trình "tiếp sức mùa thi" mỗi năm.
Hàng tháng, quỹ tiểu thương sẽ trích từ 500.00 đồng đến 1 triệu đồng hoặc hơn, để tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Nhóm cũng góp tiền, gạo và mua thực phẩm để ủng hộ nấu cháo tặng bệnh nhân và trẻ em đang điều trị tại các bệnh viện K, Viện Huyết học, xóm chạy thận Lê Thanh Nghị.
Vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, các thành viên quản trị sẽ thay mặt nhóm đến thăm và tặng quà các cô chú thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ của phường, đồng thời thăm hỏi các hoàn cảnh khó khăn khác theo kêu gọi của chính quyền địa phương.
Từ năm 2022, quỹ tiểu thương đã trích một khoản tiền để ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn đăng tải trên mục Nhân ái của báo điện tử Dân trí. Hầu như tháng nào nhóm cũng ủng hộ một mã số hoàn cảnh.
Đôi lúc dọn tủ quần áo của con, thấy cái nào còn mới và đẹp nhưng không dùng đến, chị Hằng đem bán, dùng số tiền đó ủng hộ qua các mã số hoàn cảnh của báo điện tử Dân trí.
Còn những bộ quần áo lành lặn, vẫn sử dụng tốt, chị cùng con gái gấp gọn, đóng thùng gửi tặng trẻ em vùng cao.
Trong tương lai, nhóm cho biết vẫn duy trì các hoạt động, dự định mở rộng thêm các chương trình thiện nguyện, bởi họ quan niệm "cho đi là còn mãi".
Chị Hằng nói sẽ vận động các tiểu thương trích lợi nhuận một ngày ủng hộ các dự án "Cơm có thịt", "Nuôi em vùng cao" và "Tấm lòng nhân ái" của báo điện tử Dân trí.
Các hoạt động thiện nguyện của nhóm hay các hoạt động cộng đồng đều có địa chỉ rõ ràng hoặc thông qua các địa chỉ của Báo, Đài chính thống.
"Đã làm từ thiện thì nhóm nhận thấy hoạt động nào cũng rất ý nghĩa, mong rằng câu chuyện của chúng tôi sẽ lan tỏa điều tích cực đến cộng đồng.
Như hoạt động tiếp sức mùa thi, niềm vui của mọi người giúp chúng tôi có động lực duy trì các năm sau nữa", chị Hằng tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.