Cho dâu tây "ăn" trứng, sữa, chuối, cặp vợ chồng trẻ thu trái ngọt

Trần Quang Thứ hai, ngày 18/03/2019 19:12 PM (GMT+7)
Đó là trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm của vợ chồng anh Đào Duy Trường và chị Đoàn Thu Trà ở xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) mới được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến tham quan vào ngày 15.3.
Bình luận 0

Trang trại độc đáo

Vào những ngày này, vợ chồng anh Trường đang tấp nập đón khách vào tham quan, trải nghiệm hái dâu tây, ngắm, chụp ảnh hoa hồng. Theo tiết lộ của chủ vườn, thời điểm này có ngày trang trại tiếp đón trên dưới 500 lượt khách, số tiền thu về từ hoạt động này lên đến 25 triệu đồng/ngày.

img

  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ ba, bên phải) cùng đoàn công tác đến thăm mô hình trồng trọt tại trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm tại Cao Bằng ngày 15.3. Ảnh:  Trần Quang

"Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong chính quyền tỉnh và các ngân hàng giúp đỡ về mặt bằng, vốn vay để có thể đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa hồng và bảo quản sản phẩm dâu tây, vừa nhằm phát triển du lịch vừa cung cấp sản phẩm nhiều hơn ra thị trường cả nước".

Anh Đào Duy Trường

Để đạt thành công được như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, đôi vợ chồng Đào Duy Trường (SN 1989) và Đoàn Thu Trà (SN 1991) đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ.

"Lúc mới cưới, dù đã có một trang trại hoa hồng ở Hà Nội nhưng tôi vẫn đã quyết định dồn hết vốn liếng mở thêm trang trại trồng hoa hồng và dâu tây tại quê vợ (xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng). Hai vợ chồng xác định ngay từ đầu là vừa làm vừa học và cần mẫn thử nghiệm nên ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm" - anh Trường kể.

Sau hai năm chật vật với cây trồng mới, tháng 7.2017, vợ chồng anh Trường được địa phương xét duyệt cho đi tham quan học tập các mô hình trồng rau màu công nghệ cao tại Lâm Đồng. Sau chuyến tham quan trở về, vào tháng 9.2017 gia đình anh đã mạnh dạn vay thêm vốn để tiến hành xây dựng nhà lưới đầu tiên với diện tích 800m2 phục vụ việc trồng dâu tây.

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, vợ chồng anh Trường chọn lọc 2 giống dâu tây gồm giống của Hàn Quốc và Nhật Bản có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên và kỹ thuật chăm sóc tại Cao Bằng, cho năng suất, chất lượng cao nhất để đưa vào trồng. Tròn 1 năm khởi sự, vợ chồng anh đã sở hữu 7.000m2 trồng dâu tây (giống dâu Hàn Quốc, Nhật Bản) theo công nghệ hệ thống đường hầm Micro Tunnel và 5.000m2 trồng các hoa hồng. Mới đây, dâu tây đã cho thu hoạch cung ứng ra thị trường với giá 250.000 đồng/kg dâu Hàn, 350.000 đồng/kg dâu Nhật.

Theo chị Trà, điểm đặc biệt mang lại chất lượng cho sản phẩm của trang trại không chỉ nằm ở công nghệ nhà kính, giống... mà việc bón phân của nhà vườn cũng rất quan trọng. Theo quá trình chăm sóc, các công nhân của trang trại sẽ tiến hành bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh và sử dụng phân bò đã qua xử lý vi sinh để bón lót.

img

Chị Đoàn Thu Trà (vợ anh Trường) thu hoạch dâu tây tại trang trại của gia đình ở Cao Bằng.

"Trong quá trình trồng, trang trại sẽ sử dụng phân bón hòa tan của Thụy Điển tưới qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Hàm lượng phân được chúng tôi tính toán phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của dâu tây. Ngoài ra, trang trại còn sử dụng các loại phân tự ủ lên men như phân đậu tương, trứng, sữa, chuối để bổ sung cho quả ngọt, thơm, tăng chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của quả" - chị Trà chia sẻ.

Mong được tiếp sức

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, vợ chồng anh Trường đang phát dịch vụ du lịch nhà vườn rất thành công. Được biết, hàng năm có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm du lịch tại trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm, cùng với nguồn thu từ việc bán sản phẩm, vợ chồng trẻ này có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm.

Anh Trường cho biết thêm, dù mô hình đã có được thành quả ban đầu, nhưng gia đình anh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ cao, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

img

Sản phẩm dâu tây sau khi được thu hoạch được vợ chồng anh Trường đóng gói, dán nhãn mác rất cẩn thận trước khi bán ra thị trường.

Đến tham quan, trò chuyện với vợ chồng anh Trường - chị Trà, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các cán bộ của đoàn công tác đánh giá rất cao hướng đi và cách làm sáng tạo của chủ vườn trong việc phát triển mô hình mới tại vùng núi khó khăn như Cao Bằng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: "Tại vùng khó khăn của Cao Bằng xuất hiện một mô hình trồng hoa hồng, dâu tây này là rất đáng quý. Mong rằng chủ vườn tiếp tục nỗ lực hơn nữa, mở rộng canh tác và áp dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng và thu nhập".

Để tạo điều kiện thuận lợi cho trang trại này phát triển, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ về vốn, cơ chế chính sách và mặt bằng nhằm giúp các trang trại, nông dân làm ăn lớn hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng quan tâm phát triển hợp tác xã (HTX) ở các lĩnh vực đầu vào và lĩnh vực đầu ra cho dịch vụ, sản xuất; tích cực thực hiện các thủ tục xóa nợ khê đọng của HTX cũ, tạo điều kiện cho các HTX chuyển đổi sang hình thức mới; gắn phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa giá trị thương hiệu, chất lượng của các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem