Tuyên Quang: Đột phá xây dựng nông thôn mới từ các mô hình điểm dạy nghề
Tuyên Quang: Đột phá xây dựng nông thôn mới từ các mô hình điểm dạy nghề
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 26/08/2020 12:00 PM (GMT+7)
Từng là tỉnh miền núi nghèo, nhưng nhờ dạy nghề mà giờ đây Tuyên Quang đã gặt hái được nhiều thành tựu. Nổi bật là việc xây dựng mô hình điểm trong dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuyên Quang là tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp là chính. Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Bà Mai Thị Thanh Bình cho biết, yêu cầu mà tỉnh đặt ra trong năm 2020 là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh cũng sẽ tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động.
Ông Vũ Ngọc Đình (thôn Lục Mùn, Yên Sơn, Tuyên Quang) từng là nông dân thuần túy. Gia đình ông có đồi trồng rừng nhưng năng suất thấp, thu nhập cả năm chưa tới 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm 2017 sau khi được tiếp cận với lớp học nghề trồng cây ăn quả ông Đình đã có hướng đi đột phá và hiệu quả.
"Sau 3 tháng học nghề, tôi nắm được những kỹ thuật cơ bản về trồng cây ăn quả. Nhờ vậy mà hiện nay gia đình tôi đã xây dựng được mô hình trồng bưởi an toàn, áp dụng được công nghệ hiện đại vào sản xuất theo hướng VietGAP" - ông Đình chia sẻ.
Hiện nay, hơn 7ha đất đồi của gia đình đã được chuyển sang trồng cam và bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông còn quy hoạch vườn đồi thành trang trại thu nhỏ, bao quanh nhà là ao. Ngoài ra, ông Đình còn cho chăn nuôi cả lợn và gà.
Nhờ được học nghề, được Hội ND huyện, xã hỗ trợ vay vốn, tìm nguồn ra cho sản phẩm mà mô hình phát triển vườn đồi trồng cây ăn quả của gia đình ông đang cho hiệu quả tốt. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Đình thu về 200 - 250 triệu đồng/năm. Mô hình điểm vườn đồi của ông đã được nhiều hộ nông dân trong xã trong huyện, trong tỉnh tới học tập về triển khai, nhân rộng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đào tạo nghề cho trên 30.000 lao động nông thôn, bình quân mỗi năm đào tạo nghề trên 6.000 lao động.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2010 - 2019, đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình điểm.
Đến nay đã có 59 mô hình điển hình, trong đó có 55 mô hình cá nhân điển hình và 4 mô hình tổ chức điển hình. Không riêng gì Hội ND, các đơn vị thuộc ngành lao động, ngành nông nghiệp và nhiều tổ chức đoàn thể xã hội đã tham gia công tác đào tạo nghề.
"Trong năm 2010, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đang bị chậm tiến độ. Từ tháng 6 Hội mới tổ chức lại hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện tại, Trung tâm dạy nghề của Hội đang tổ chức khai giảng 2 lớp là dạy nghề nuôi cá và chăn nuôi thú y" - bà An nói.
Hiện cả hai lớp đang học lý thuyết, tới đây sẽ học thực hành. Tuy nhiên thời gian học cũng sẽ được thay đổi theo tình hình thực tế của địa phương. Việc giảng dạy được linh động theo nhu cầu thực tế của người dân. Lớp học được bố trí vào vụ mùa để tận dụng nguyên liệu có sẵn cho thực hành.
"Do tình hình dịch bệnh nên chúng tôi ưu tiên dạy kiến thức thực hành, tránh tập trung đông người trên lớp học. Thời gian học cũng được rút ngắn tối đa" - bà An cho biết. Cũng theo bà An, với lớp chăn nuôi cá, bà con có thể học trong 3 tháng nhưng với lớp chăn nuôi thú y có thể rút gọn xuống còn 1 tháng, tất nhiên vẫn đảm bảo số tiết, nội dung cơ bản.
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh, thời gian qua hoạt động dạy nghề của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ lao động học ngành phi nông nghiệp xong có việc làm cao. Lao động học ngành nông nghiệp 100% có việc làm sau học, hoặc học xong vãn làm việc làm cũ nhưng thu nhập cao hơn trước.
Bà Mai Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Đặc biệt, lao động sau học nghề có việc làm được các doanh nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tuyển dụng, được chuyển nghề, có thu nhập, tăng năng suất lao động.
Với lao động học các ngành nông nghiệp, việc vận dụng kiến thức mới vào phát triển kinh tế hộ gia đình đã bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhờ học nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 nâng lên trên 57%, trong đó qua đào tạo nghề trên 35%.
Tuyên Quang đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hoạt động đào tạo nghề còn giúp đẩy mạnh sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
"Một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2020 của tỉnh là tập trung đào tạo nghề nông nghiệp gắn với thế mạnh của địa phương, trong đó, ưu tiên các đối tượng thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn" - bà Bình nói.
"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.