Chợ ế ẩm chưa từng thấy, kiến nghị chi 55 tỷ hỗ trợ tiểu thương
Chợ ế ẩm chưa từng thấy, Sở Công thương TP.HCM kiến nghị chi 55 tỷ đồng hỗ trợ tiểu thương
Hồng Phúc
Thứ năm, ngày 10/06/2021 16:43 PM (GMT+7)
Các chợ truyền thống tại TP.HCM ế ẩm chưa từng thấy vì Covid-19. Hàng loạt ki-ốt đóng cửa, tiểu thương còn kinh doanh thì lo ngại không biết có thể cầm cự đến khi nào.
Sở Công Thương TP.HCM vừa kiến nghị, đề xuất UBND TP nhiều giải pháp hỗ trợ tiểu thương tại các chợ, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021.
Chợ ế ẩm chưa từng thấy vì Covid-19
Sở Công Thương TP.HCM cho biết qua nắm bắt tình hình hoạt động của các chợ nói chung và thương nhân tại các chợ nói riêng, hiện mãi lực tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, thương nhân gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Thực tế, khảo sát của Dân Việt cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, hàng loạt chợ truyền thống tại TP.HCM rơi vào cảnh ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua. Bên trong các chợ, tiểu thương đứng ngồi đợi khách.
Bà Lam, chủ một sạp chuyên bán giò chả tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết những tiểu thương còn bán hiện nay chủ yếu là "cầm cự" bởi chợ vắng khách chưa từng thấy.
"Bây giờ, tôi đâu có dám lấy nhiều hàng, chỉ bằng 1/4 so với trước và chủ yếu bán cho khách quen. Tết Đoan Ngọ sắp tới mà sức mua cũng không khá hơn bao nhiêu. Tình hình này không biết tôi cầm cự được bao lâu", bà Lam nói và chỉ qua cả dãy ki-ốt đóng cửa im ỉm, mạng nhện giăng đầy nhiều tháng qua, do tiểu thương trả sạp.
Nhu cầu thực phẩm giảm, tiểu thương ngành hàng thời trang tại các chợ còn thê thảm hơn. Chị Phương Thảo (tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) lắc đầu, khi được hỏi đã bán được bao nhiêu bộ quần áo trong ngày.
"Sáng giờ bán được mới có 1 cái áo sơ mi nam, có hôm ngồi cả ngày rồi về không luôn. Đầu năm nay, thấy vắng qua, tôi đổi sạp, chuyển sang ra đầu chợ cho đông hơn, ai dè cũng không có khách. Tình hình này chắc nghỉ sớm, dịch bệnh ai cũng e dè đi chợ và mua sắm", chị Thảo lo lắng.
Còn tại các chợ chuyên bán cho khách du lịch, từ năm ngoái đến năm nay gần như rơi vào cảnh thoi thóp. Tại chợ Bến Thành, len lỏi vào bên trong chợ, số sạp, ki-ốt đóng cửa vì không có khách, vì lo ngại dịch bệnh còn nhiều hơn cả số sạp ráng cầm cự.
Đề xuất chi 55 tỷ đồng hỗ trợ tiểu thương tại TP.HCM
Sở Công Thương TP.HCM nhận định mãi lực tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, tiểu thương gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, Sở kiến nghị UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương hỗ trợ trực tiếp đối với các thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn.
Phạm vi áp dụng là các chợ truyền thống theo quy hoạch của thành phố do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quản lý bao gồm chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Đối tượng được hỗ trợ là các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ ccó điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; có mã số thuế và theo danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ do các đơn vị quản lý chợ quản lý.
Theo đề xuất của Sở Công Thương TP.HCM, mức hỗ trợ tiền 1 tháng được tính bằng 50% trên mức thu phí chợ cao nhất được quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-UBND ngày 12/2/2007 của UBND TP.HCM về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, chợ hạng 1 mức thu không quá 200.000 đồng/m2/tháng; chợ hạng 2 mức thu không quá 140.000 đồng/m2/tháng; chợ hạng 3 mức thu không quá 100.000 đồng/m2/tháng và các quy định khác có liên quan. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 8/2021.
Sở Công Thương TP.HCM ước tính, kinh phí hỗ trợ thương nhân mức trung bình là 200.000 đồng/m2/tháng, diện tích trung bình của 1 điểm kinh doanh là 3m2 bằng 600.000 đồng/điểm/tháng. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ trong 3 tháng là 55,499 tỷ đồng.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đề xuất hỗ trợ 100% chi phí tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại cho các doanh nghiệp TP trong năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trực tiếp lẫn gián tiếp.
Đề xuất đưa tiểu thương vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19
Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đề xuất, kiến nghị UBND TP.HCM xem xét nghiên cứu, đề xuất bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đối với thương nhân, nhân viên và người lao động tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn và một số chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn.
Sở Công Thương TP.HCM nhận định việc tồn tại của các chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng rất quan trọng vì là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với nguy cơ lây lan rộng, hệ thống chợ và nhất là đối với các chợ đầu mối là một trong những nơi có nguy cơ rất cao.
Do đó, Sở cho rằng cần thiết bổ sung thương nhân, nhân viên, người lao động làm việc tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn và một số chợ hạng 1, hạng 2 tại TP vào nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.