Chờ "khách sộp" đến thuê, mặt bằng vàng ở nhiều quận trung tâm ế ẩm
TP.HCM: Mặt bằng đất vàng ở nhiều quận trung tâm ế sưng, ế sỉa vẫn không giảm giá
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 10/05/2023 12:23 PM (GMT+7)
Hàng loạt mặt bằng ở các quận trung tâm TP.HCM có vị trí đắc địa, khu vực kinh doanh sầm uất... vẫn bỏ trống. Theo tìm hiểu, có mặt bằng đã bỏ không 2 - 3 năm nay, nhưng vẫn chấp nhận "thà để không" chứ không giảm giá, "kén" khách thuê.
Dọc các con đường trung tâm như Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng (Quận 1), 3/2, Lê Hồng Phong, Cao Thắng (Q.10); CMT8, Lê Văn Sỹ (Q.3)... hiện có rất nhiều mặt bằng đang bỏ trống.
Ngay mặt tiền, các mặt bằng này đều dán kín bảng tìm khách với rất nhiều số điện thoại liên lạc nhưng khá lâu chưa tìm được khách.
Trong vai người đi thuê mặt bằng, chúng tôi liên hệ một mặt bằng 4 căn 500 m2 ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Trương Định thì được môi giới báo giá thuê lên tới 50.000 USD/tháng (gần 1,2 tỷ đồng). Theo lời môi giới này, do chủ nhà có tiềm lực về kinh tế nên chỉ muốn cho các thương hiệu lớn thuê và phải đóng tiền cọc 6 tháng.
"Nếu ký hợp đồng thuê, khách phải thanh toán 3 tháng tiền nhà, tương đương khoảng 3,6 tỷ đồng", người này thông tin.
Nằm ngay ngã ba Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1), có 3 mặt bằng treo bảng cho thuê nhưng vẫn chưa có người thuê hơn 1 năm qua. Theo tìm hiểu của Dân Việt, giá thuê của 3 mặt bằng này được môi giới báo giá lần lượt là 15.000 USD, 17.000 USD và 25.000 USD/tháng, không thương lượng thêm.
"Nếu ký hợp đồng thì phải cọc tiền nhà 3 tháng", người môi giới ở mặt bằng này nói.
Một mặt bằng khác mặt tiền đường 3/2 (Q.10), giá thuê được nhân viên môi giới cho biết là 500 triệu đồng/tháng. Nếu ký hợp đồng phải đặt cọc khoản tiền 3 tháng tiền thuê nhà. Tuy nhiên, mức giá thuê cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 5 - 10% mỗi năm.
"Mặt bằng khu trung tâm TP.HCM chủ yếu để kinh doanh nhóm sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế. Vì vậy, khi lượng khách này sụt giảm, doanh thu giảm thì khách thuê nhà không còn nguồn thu, buộc phải trả mặt bằng...", TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng.
Trong khi đó, ở trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), trên đoạn đường chỉ 50m có tới 3 mặt bằng cho thuê dán kín số điện thoại. Liên lạc với một số điện thoại tự nhận là chính chủ trong các mặt bằng trên, một người đàn ông tên Hưng báo giá lên tới 25.000 USD/tháng (khoảng 600 triệu đồng).
Tuy nhiên, người này cũng mong muốn người thuê mở showroom, kinh doanh thời trang, trang sức... chứ không muốn cho khách thuê mở cửa hàng ăn uống hay quán cà phê.
"Nếu thiện chí muốn thuê thì sẽ bớt nhẹ còn 23.000 USD/tháng, nhưng phải đóng tiền nhà 3 tháng", người này nói thêm.
Mặc dù mặt bằng bỏ trống nhiều nhưng trong một báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam, giá thuê khu vực này vẫn có xu hướng tăng 1 - 1,5%/năm.
Trong khi đó, báo cáo thị trường quý I/2023 của Batdongsan, mức giá thuê mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang ghi nhận mức tăng trưởng đều.
Cụ thể, giá thuê mặt bằng nhà phố tại quận 1 tăng 17%, quận 3 tăng 13%, quận Phú Nhuận tăng 9%, quận 7 tăng 11% và quận 2 tăng 2% chỉ sau 3 tháng. Chỉ duy nhất tại quận 9 (TP Thủ Đức) giá thuê mặt bằng nhà phố vẫn giữ nguyên giá thuê trong khoảng thời gian này.
Lý giải nguyên nhân mặt bằng bỏ trống nhiều nhưng giá thuê mặt bằng nhà phố vẫn tăng, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực phía nam nhận định, một trong những vấn đề ảnh hưởng đến thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê chính là sức mua của người tiêu dùng.
"Hiện thị trường du lịch vẫn chưa hồi phục rõ rệt dù lượng khách đã tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ. Đặc biệt bức tranh chung về sức mua tiêu dùng sụt giảm rất lớn. Điều này dẫn tới sự thay đổi linh hoạt về mô hình sản xuất kinh doanh của nhiều nhà hàng lớn", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, do mặt bằng trống ở khu vực trung tâm không chỉ giá cao mà còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy, chữa cháy... Do vậy, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm nhiều không gian hơn ở các khu vực ngoài trung tâm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.