Chợ phiên Kỳ Lừa ngày cuối năm

Chang Liễu Thứ năm, ngày 15/02/2018 18:26 PM (GMT+7)
Lạng Sơn - mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, với những danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người như động Tam Thanh, Nhị Thanh, chùa Tiên, Núi Mẫu Sơn... Ai đã một lần đến Lạng Sơn đều ước muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú ấy. Ngoài những vẻ đẹp thiên nhiên thì mảnh đất biên cương còn hấp dẫn du khách bởi sức hút của nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số phải kể đến ở đây đó là văn hóa Chợ.
Bình luận 0

Chợ phiên là một trong những nét đặc sắc, hấp dẫn du khách từ những vùng miền đến với Lạng Sơn. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, những khu chợ cao tầng, kiên cố ngày càng mọc lên ở thành thị, song chợ phiên vẫn là một danh từ đẹp, một ký ức thật sống động với những ai đã từng biết đến chợ phiên. Tùy theo từng địa phương và đặc điểm dân cư từng địa bàn khác nhau mà người dân ở đó ấn định ngày họp chợ, có thể là ngày lẻ hoặc cũng có thể là ngày chẵn, nhưng cứ 5 ngày phiên chợ lại được tổ chức một lần. Quy định về ngày chợ phiên như thế đã được người dân các vùng miền Xứ Lạng làm theo từ xa xưa, đến ngày nay vẫn vậy.

Độc đáo và thật bản sắc…đó là những nhận xét khi nói đến chợ phiên Xứ Lạng. Trong hành trình khám phá vùng đất này, điều mà du khách luôn cảm thấy tâm đắc, thích thú đó là hành trình khám phá những phiên chợ ngày cuối năm tại nhiều vùng thôn quê Xứ Lạng, đặc biệt là phiên chợ Kỳ Lừa.

img

Các bà, các chị người dân tộc Dao xúng xính váy áo mang gà xuống chợ phiên Kỳ Lừa ngày cuối năm.

Do điều kiện đi lại khó khăn, lại không có địa điểm cố định để họp chợ thường xuyên nên cứ 5 ngày người dân các xã lại tập trung tại một điểm thuận lợi nhất để họp chợ. Và chợ phiên có mặt từ đó. Các phiên chợ thường được ấn định vào những ngày riêng để người dân có dịp đến trao đổi, giao lưu hàng hóa. Đó được coi là điểm hẹn của người dân để trao đổi nhu cầu vật chất và tinh thần. Vượt qua ranh giới của những điểm chợ đơn thuần, chợ phiên cao đẹp trong suy nghĩ, tình cảm của người dân. Chẳng vì thế mà nhiều người, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số dù chưa từng biết chữ, chưa từng được học về những con số nhưng họ đều không bao giờ quên được những ngày phiên chợ.

img

Chợ phiên Kỳ Lừa ngày cuối năm đông vui, nhộn nhịp với những dãy mặt hàng đa dạng kéo dài hơn một cây số.

Khi mặt trời vừa hé dậy từ đằng núi xa xa, con gà dưới sân cất tiếng gáy te te cũng là lúc những người dân tộc gùi hàng xuống núi để tham dự chợ phiên.

Phiên chợ quê của các dân tộc Xứ Lạng thật đẹp, thật ấn tượng và văn minh. Ở chợ phiên người ta không thấy cãi nhau, không thấy mặc cả, nói thách, không tranh giành chỗ ngồi, cứ người dân nào đến chợ sớm, họ lại tự tìm cho mình những chỗ ngồi thích hợp nhất để bán hàng. Hàng của người dân tộc cũng mộc mạc như chính con người thôn quê đó, chúng là sản vật nông nghiệp của địa phương, là hương vị, sắc màu của núi rừng, là sản vật do chính bàn tay người dân làm ra, có thể là bắp ngô vừa hái bên nương, có thể là mật ong vừa bắt trên rừng, cũng có thể là rượu trắng men lá vừa cất trong bếp… Tất cả đều thật giản dị nhưng cũng thật đậm đà, ấm nồng… Chợ phiên Kỳ Lừa thường được tổ chức vào những ngày mùng 2, mùng 7, 12,17, 22, 27 thì đến nay vẫn vậy. Cứ thế 5 ngày trôi qua, chợ phiên lại được lặp lại một lần.

img

Chợ phiên ngày cuối năm trở nên rực rỡ bởi nó được thêu dệt bởi màu sắc sặc sỡ của những bộ trang phục dân tộc Dao.

Vào những ngày cuối năm này, PV có dịp ghé thăm chợ phiên Kỳ Lừa. Đây là phiên chợ cuối cùng trong năm, du khách ở những tỉnh thành khác có dịp ghé thăm sẽ cảm thấy ngạc nhiên và vô cùng thích thú với phiên chợ này. Để phục vụ nhu cầu mua sắm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, chợ phiên cuối năm rất đa dạng về hàng hóa và thu hút người dân của nhiều địa phương, nhiều dân tộc tham gia. Trong phiên chợ đặc biệt này, người đến sẽ cảm nhận được một không gian chợ rất truyền thống, rất xưa.

img

Góc chợ nhộn nhịp nhất vẫn là khu bán gà với dãy dài những con gà trống thiến được các chị, các bà người dân tộc Tày, Nùng, Dao mang xuống phố bán.

Trong suy nghĩ của người dân, chợ phiên Kỳ Lừa này vẫn là dịp, là ngày để họ chờ đợi. Có khi chỉ để xúng xính bộ quần áo đẹp xuống chợ, có khi chỉ để ngắm nhìn cảnh tấp nập, đông vui… thế là đủ. Chợ phiên đã ăn sâu vào tiềm thức, vào tâm tư tình cảm, trở thành một thói quen, một sự cần thiết phải có, phải tồn tại trong đời sống của người dân. Ngày cuối năm, nơi đây được coi như một bức tranh đẹp với nhiều gam màu rực rỡ. Nó được dệt từ hình ảnh đặc sắc của những người dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao trong những bộ quần áo sắc màu và văn hóa của những người tham gia trong phiên chợ. Người bán mật ong, người bán men lá, bán rượu trắng, bán những cây thuốc rừng và rất nhiều mặt hàng mộc mạc khác… Hàng hóa kéo dài hơn 1km, nào là thịt lợn, nào là gà, vịt, nào là lá dong, rau củ quả, là những sạp hàng bày bán những bài thuốc đông y từ cây rừng, vẫn cảnh người bán, người mua trao đổi bằng tiếng dân tộc, gần gũi, vui vẻ và mộc mạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem