Chờ tăng lòng tin, giảm lãi suất

Thứ ba, ngày 29/04/2014 07:20 AM (GMT+7)
Đây là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) với các bộ, ngành và Chính phủ tại cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với hàng trăm DN diễn ra tại Hà Nội hôm qua (28.4).
Bình luận 0
Gặp muôn vàn khó khăn

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù có niềm tin khá mạnh mẽ rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 sẽ được cải thiện song hoạt động của các DN trong quý I/2014 vẫn rất khó khăn. Quý I năm nay số DN khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động là 16.745 DN, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước...

Thực tế, Chính phủ đã có không ít các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, như giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống còn 8%, và giảm mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến xuống còn 9-11%/năm, nhưng đến nay DN vẫn khó tiếp cận với vốn ngân hàng khiến cho tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. "Có tới 91% DN cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, dù đã giảm từ tỷ lệ 94% năm 2012. Nếu không sớm tháo gỡ thì số DN “chết” sẽ còn tăng lên” - ông Lộc nói.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị ngày 28.4.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị ngày 28.4.

Bà Phạm Thị Hồng Thái - Chủ tịch Hội các DN Nghệ An nêu thực tế: Nhà nước đang nợ xây dựng cơ bản với DN rất lớn, song DN lại phải đi vay tiền để nộp thuế thu nhập DN, nếu không nộp sẽ bị phạt. Có DN đã bị Nhà nước nợ tới 40 tỷ đồng, mà thuế phải nộp là 4 tỷ đồng đành vay ngân hàng lãi suất cao để nộp. Nếu tiếp tục bị nợ, DN sẽ phá sản. “Với lãi suất này thì DN nước ngoài sẽ chiếm lĩnh hết thị trường, DN trong nước đành “chịu chết” - bà Thái nhấn mạnh.

Ông Vũ Hoàng An -Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su thì quan ngại việc liên tục từ năm ngoái đến nay, giá cao su tụt dốc, hiện đã gần sát với giá thành, song kiến nghị của hiệp hội về đưa thuế suất cao su trở về mức 0% vẫn chưa được chấp thuận. Ông Nguyễn Thành Long-Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam còn kiến nghị thuế VAT của ngành này được Nhà nước cân đối lại 100% để hỗ trợ cho người trồng mía vì với giá đường thấp như bây giờ nông dân sẽ bỏ mía, DN thì khốn đốn. Đại diện Hiệp hội Chè lại kiến nghị giảm thuế VAT đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu, trong đó, sản phẩm chè giảm thuế từ 10% hiện nay xuống 5%...

Có điều kiện sẽ giảm lãi suất

Tại cuộc gặp, ông Vũ Tiến Lộc đã đề nghị Chính phủ thực hiện phương châm khoan sức cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt. Ông đề nghị Chính phủ rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống còn 20% với DN lớn, và 18% với DN nhỏ và vừa. Chủ tịch VCCI đề nghị chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho dân và các DN, tiến tới xây dựng Luật Phí và lệ phí thống nhất.

"Với lãi suất như hiện nay thì DN nước ngoài sẽ chiếm lĩnh hết thị trường, DN trong nước đành “chịu chết”. Ngân hàng Nhà nước cần tính toán điều này”.
Bà Phạm Thị Hồng Thái - Chủ tịch Hội các DN Nghệ An

Ông Huỳnh Văn Minh-Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM thì hiến kế, Nhà nước cần có các chính sách xây dựng niềm tin chiến lược, ổn định lâu dài, rõ ràng, ổn định minh bạch tạo hành lang thông thoáng an toàn cho DN hoạt động. Đặc biệt, có chính sách giúp DN tiếp cận được vốn, kể cả nợ cũ-mới áp dụng lãi suất như nhau; đồng thời giảm bớt thủ tục điều kiện để DN tiếp cận được vốn vay.

Tại cuộc gặp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bày tỏ: Bên cạnh việc hạ lãi suất, ngân hàng đang tìm các cơ chế khác hỗ trợ DN. Ví dụ: Chính quyền địa phương hỗ trợ thêm cho DN 2-3% lãi suất khi DN vay vốn. Hay DN khó khăn về nhà xưởng đất đai, chính quyền địa phương hỗ trợ để DN vay vốn hoạt động trở lại được. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương để xây dựng các quỹ hỗ trợ DN giúp tháo gỡ về vốn, bởi với lãi suất huy động còn 6%, lãi suất cho vay giảm thêm 1-2% đã là cố gắng rất lớn. Cứ 10-15 ngày 1 lần chúng tôi sẽ phân tích, nếu hạ được lãi suất nữa thì sẽ làm ngay" - Thống đốc Bình khẳng định.

Theo ông Bình, việc hạ lãi suất sẽ phải ổn định, bền vững để tạo niềm tin cho người dân, DN và có như vậy, DN mới yên tâm kinh doanh. Ông Bình thông báo: Thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay, lãi suất cơ bản sẽ như hiện nay, có điều kiện sẽ giảm nữa. Tỷ giá cũng sẽ ổn định, nếu có điều chỉnh thì chỉ khoảng 1%. “Bức tranh thay đổi cơ cấu lãi suất rất lớn. Lãi trên 13% chỉ còn ở nhóm cho vay tiêu dùng, bất động sản và nợ quá hạn, phạt nợ, cơ cấu này đã không rơi vào khu vực sản xuất nên DN có thể yên tâm kinh doanh” - Thống đốc nói.

"Lãi trên 13% chỉ còn ở nhóm cho vay tiêu dùng, bất động sản và nợ quá hạn... Cơ cấu này đã không rơi vào khu vực sản xuất, nên doanh nghiệp có thể an tâm".
Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Trên hăng hái cải cách, dưới thờ ơ”


Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo không để DN khó khăn thêm vì thủ tục phiền hà, vì công chức chưa thấm được tinh thần cải cách. Thủ tướng nói: “Tôi xin lỗi nhân dân vì quyết tâm cải cách ở trên thì hăng hái, nhưng càng xuống dưới càng giảm đi, tới nhân viên thì lại như không có gì xảy ra, thờ ơ”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, không thể để cộng đồng DN phải gánh chịu thêm những thua thiệt, khó khăn. Chính phủ đã và đang làm tích cực nâng cao đạo đức phục vụ của cán bộ, công chức, cải cách thể chế, bộ máy để tạo điều kiện tốt nhất cho DN làm ăn...


Mai Hương (Mai Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem