Chơi tranh Tết

Thứ bảy, ngày 29/01/2011 10:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày xưa các cụ ta đón Tết bằng “Thịt mỡ – dưa hành – câu đối đỏ/Cây nêu – tràng pháo – bánh chưng xanh”. Và sớm xuân thì “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Om sòm trên vách bức tranh gà”. Một cái Tết quê đạm bạc nhưng vui: Có bánh, có tranh, có pháo, no bụng, vui mắt, vui tai...
Bình luận 0
img

Tranh Đông Hồ xưa có cái tên chung: Tranh Tết. Đó là loại tranh in bằng ván khắc lên giấy dó quét điệp. Cả năm người Đông Hồ trông vào tháng Tết bán tranh để trang trải công nợ. Cũng may người làng quê có cái thú chơi tranh Tết nên người nghệ nhân dân gian Đông Hồ giữ được nghề và có được miếng ăn để giữ nghề.

Muốn biết cái hay của tranh Đông Hồ phải biết cách xem. Các cụ ta xưa làm tranh theo cách “mượn hình gửi ý”. Không giống cách vẽ tranh thông thường ngày nay.

Người ta có thể phân tranh Tết ra mấy loại sau: Tranh tín ngưỡng (ví dụ như “Ông tướng canh cửa”, “Vũ Đinh - thiên Ất”), dán ở cổng để trừ ma quỷ; Tranh ẩn dụ (như “Trê Cóc”, “Đám cưới chuột”)...

Tranh sinh hoạt “Công việc nhà nông”, “Chợ quê”, “Trâu sen”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa...; Tranh lịch sử như “Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận”, “Bà Triệu”, “Ngô Vương quyền đánh quân Nam Hán”, “Thánh Gióng”...; Tranh tứ bình xuân-hạ-thu-đông (đào-sen-cúc-trúc)...); Tranh tứ bình kể chuyện như “Phương Hoa”, “Hoàng Trừu”...

Trở lại cách làm tranh mượn hình gửi ý của nghệ nhân xưa, ví dụ tranh chúc tụng với bức tranh đôi “Vinh hoa/ Phú quý”. Tranh “Vinh hoa” vẽ bé trai ôm gà trống, tranh “Phú quý” vẽ bé gái ôm vịt. Con gà tượng trưng cho người có “nhân-nghĩa-lễ-trí-tín-dũng”, con vịt tượng trưng cho sự “thuần hậu-sinh sản-thông thoáng trên cạn dưới nước”. Mua tranh về dán vách vừa vui mắt, vừa là sự ước vọng.

Còn nếu được tặng, coi như là nhận được những lời chúc tốt đẹp. Tranh đôi công - cá, phía tranh “con công” có chữ “Thiên hạ thái bình” – tranh cá có “Lý ngư vọng nguyệt”, ngụ ý ca ngợi một cuộc sống thịnh vượng yên ổn.

Tranh đôi “Đánh ghen”/“Hứng dừa” lại là biểu hiện giữa hai thái cực: Các tranh đều mang triết lý âm dương, và bức tranh nào cũng như có lời nhắn gửi, lời chúc hoặc lời nhắc nhỏ cảnh báo. Vậy nên khi mua tranh Đông Hồ rất cần đọc hoặc nghe giải thích chữ trên tranh. Cái sâu sắc ý nghĩa của tranh nằm ở những chữ có trên mặt tranh. Chỉ khi hiểu được các dòng chữ ấy mới thấy tranh là hay, và biết nó hay ở chỗ nào.

Rất may cho những ai có lòng hoài cổ có thể đến số nhà 17 phố Chân Cầm (cạnh Bệnh viện Việt Đức), Hà Nội. Ở đấy có một cửa hàng tranh nhỏ bé của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế người Đông Hồ, ông vẫn đang sản xuất và bán tranh Tết. Dư vị tranh Tết từ ngàn xưa dù còn chút ít nhưng cũng đủ làm ấm lòng những ai còn biết yêu mến đến một dòng tranh xưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem