Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) vừa ký văn bản báo cáo số 467 trình Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện liên quan đến công tác tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
Công văn do bà Ninh Thị Thu Hương, Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở ký có nêu rõ nội dung: “Nếu Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn không thực hiện theo cam kết trong Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xem xét khả năng đưa lễ hội này ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra ngày 1.7 mới đây.
Tuy nhiên, Ý kiến “tước bỏ danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia” đối với lễ hội trâu chọi không nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, việc tạm dừng lễ hội thì có thể được chứ tước bỏ danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia là không nên. “Nếu vì những cái chưa tốt xung quanh lễ hội mà chúng ta bỏ đi danh hiệu đẹp đẽ thì nghĩa là chúng ta bất lực với những mặt hạn chế đó. Theo tôi, cần phải làm cho lễ hội Chọi trâu tốt lên bằng cách thắt chặt, kiểm soát các khâu tổ chức của địa phương”.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa cũng thừa nhận, hiện nay, UBND quận Đồ Sơn và TP Hải Phòng chưa làm tốt công tác tổ chức của lễ hội chọi trâu.
“Tình trạng cá độ, trâu thường được trà trộn với trâu chọi vẫn còn diễn ra. Công tác chuẩn bị thô sơ, không tuân thủ đúng quy định, không kiểm soát, kiểm duyệt. Bao nhiêu quy định đưa ra đều không làm theo. Chúng ta muốn tạo một lễ hội tốt mà không dám đầu tư, không chuẩn bị chu đáo lại muốn thu lời nhanh thì đó là điều không tưởng. Hệ lụy như thế nào thì chúng ta đã biết”, ông Nguyễn Hùng Vỹ cho biết.
GS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với việc tước bỏ danh hiệu này đối với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Chuyên gia nghiên cứu này thừa nhận những mặt tồn tại ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay. Nhưng thay vì tước bỏ danh hiệu thì các cơ quan chức năng phải thay đổi về cách tổ chức, cần quy trách nhiệm đối với từng cá nhân, đơn vị để xảy ra sự việc chứ không thể đổ lỗi hết lên lễ hội.
GS Lê Hồng Lý cũng cho rằng, nên thu hẹp hội chọi trâu ở Đồ Sơn về đúng quy mô nhỏ theo truyền thống trước đây. Chọi trâu ở sân vận động trở nên nguy hiểm khi không thể kiểm soát được không gian trâu húc. “Về nguyên tắc, phải chọi trâu ở nơi có nước. Ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) chẳng hạn, ngày xưa là đấu dưới ao sâu. Vì có bùn nên con trâu không thể chạy lồng lên mà chỉ đấu trong đó thôi. Còn Đồ Sơn ngày xưa cũng nhỏ chứ không phải ở sân vận động như bây giờ”, ông Lý nói.
Theo GS Lê Hồng Lý, chọi trâu giờ đã “biến thành du lịch nên kéo theo đủ thứ chuyện”. Thậm chí ông cho rằng trâu có khi còn bị cho uống rượu mà không cẩn thận còn đưa cả thuốc kích thích vào nữa. Thực tế, một trong những chỉ đạo của Hải Phòng với vụ việc trâu chọi Đồ Sơn húc chết chủ là phải kiểm tra chất kích thích, chất tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong con trâu số 18 và cả những con tham gia đấu.
Theo GS Trần Lâm Biền, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay hoàn toàn không đúng với truyền thống, vì chọi trâu phải là một hoạt động liên quan đến nước, đến mặt trăng, đến cầu mùa.
“Mang ra sân vận động tổ chức chọi trâu thì không giữ được giá trị di sản nữa, ý nghĩa tâm linh văn hóa của nó bị giải thể rồi. Người ta núp dưới góc độ là thượng võ, nhưng thực tế không phải như vậy, mà là lấy hình ảnh tàn bạo đó để kích thích tính hiếu kỳ của con người khi xem thi đấu. Đó chính là sự phá hoại văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, về việc cân nhắc tước bỏ danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thì cần phải cân nhắc", ông Biền nói.
Đào Bích (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.