Chống bơm tạp chất vào tôm: Làm "sạch" ngành tôm, phục vụ xuất khẩu

Ngọc Lam (thực hiện) Thứ năm, ngày 21/12/2017 06:16 AM (GMT+7)
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hiện nay là chúng ta cần làm “trong sạch” ngành tôm ngay từ trong nước bằng các “chiến dịch” chống bơm tạp chất vào tôm.
Bình luận 0
img

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Quang (ảnh) - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cho biết: Như tôi đã nói, trong các thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam, những năm trước thị trường Nhật quy định kháng sinh rất ngặt nghèo, nhưng cuối năm 2016 và 2017 thì thị trường Mỹ và EU quy định còn khó hơn. Họ quy định phải sạch kháng sinh 100% và phải sạch vi sinh có hại nữa.

Để đáp ứng được các nhu cầu của các thị trường nhập khẩu, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

- Để nuôi tôm không có kháng sinh trong điều kiện dịch bệnh lan tràn như hiện nay thì theo tôi nên nuôi trong điều kiện con giống tốt (kháng sinh tốt) và nên nuôi với mật độ tôm thoáng hơn.

Về tình trạng tôm bơm tạp chất, nói cho công bằng thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Sự quản lý lỏng lẻo đã để tình trạng này tràn lan, gây ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nhưng vấn đề là làm sao để nâng cao năng suất nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến cũng như năng suất nuôi nói chung, từ đó mới hạn chế được tình trạng sử dụng kháng sinh và bơm chích tạp chất vào tôm?

- Trong kế hoạch của Bộ NNPTNT, năm nay Việt Nam có 560.000ha tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, với năng suất bình quân 300 – 400kg/năm. Nếu có công nghệ nuôi tôm đạt 1 tấn/ha/năm thì Việt Nam có trên 1 triệu tấn tôm. Lúc này, việc có 10 tỷ USD là rất dễ.

Để giải quyết được bài toán 10 tỷ USD, theo tôi làm sao phải nâng cao năng suất của người nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến lên mức 1,5 – 2,5 tấn trở lên.

Cách làm của Minh Phú là liên kết với người nuôi tôm, tạo thành DN xã hội, áp dụng quy trình nuôi mới, tạo ra giá trị cộng hưởng, giúp tôm có giá trị cao hơn và giải quyết bài toán nuôi tôm nhỏ lẻ, phân tán cũng như bơm chích tạp chất, kháng sinh…

img

Thu hoạch tôm ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: I.T

Như vậy, phải nâng năng suất lên mức 1,5 – 2,5 tấn/ha/vụ. Nếu làm tốt thì có thể nuôi 3 vụ/năm. Ở Minh Phú đưa ra quy trình nuôi tôm ở mức độ thấp, vừa sức tải môi trường với con giống post 35 – 45, với kích cỡ này, khi thả vào rừng đước thì tỷ lệ sống sót rất lớn. Với quy trình này, chỉ cần nuôi 10 – 12 con/m2 là đã giải quyết được vấn đề sản lượng cũng như bảo vệ môi trường.

Vừa rồi, Minh Phú cam kết 2 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ USD từ nay đến năm 2025. Từ kinh nghiệm của mình, ông thấy đâu là bất cập lớn nhất của ngành giống tôm, thưa ông?

- Sản xuất giống của nước ta hiện không có tiêu chuẩn nào cả. Tôi nói thật, không phải ai cũng sản xuất giống được. Thế nhưng trên thị trường có rất nhiều giống giả, giống không sạch bệnh…, giá bán cũng có loại rất rẻ chỉ 20 – 30 đồng/post 12 – 15.

Với giá thành hiện tại, nếu sản xuất đúng thì phải 60 – 70 đồng/post. Do đó, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không tạo ra lành mạnh để tái đầu tư, tạo ra con giống tốt, kháng bệnh. Do đó, các năm qua, giống tôm Việt Nam cứ quanh quẩn, không cải thiện được về chất lượng.

Chúng ta phải đẩy mạnh nuôi tôm từ con giống kháng bệnh, với mật độ thấp, vừa sức tải của môi trường để phát triển bền vững, trong lành, trong một hệ sinh thái cân bằng, bền vững…

Con tôm khỏe, mầm bệnh không phát sinh. Những năm qua, nuôi tôm mật độ cao nên thức ăn nhiều, thải nhiều, khó xử lý, dẫn tới mầm bệnh và ô nhiễm môi trường. Mà môi trường ô nhiễm thì dịch bệnh sẽ phát sinh. Do đó, phải thay đổi cách nuôi tôm.

Vậy đâu là khó khăn lớn nhất của ngành tôm Việt Nam hiện tại, thưa ông?

- Hiện tại trong các thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam, thị trường Nhật quy định chỉ tiêu kháng sinh khó nhất và đắt nhất. Tuy nhiên, cuối 2016 đầu 2017, các thị trường Mỹ và châu Âu quy định kháng sinh còn khó và ngặt nghèo hơn.

img

Đây là thách thức lớn của ngành tôm Việt Nam. Bây giờ để bán được vào Mỹ và châu Âu phải sạch kháng sinh 100% và sạch cả vi sinh. Do đó, để nuôi tôm không kháng sinh phải có quy trình nuôi tôm an toàn, thành công và hiệu quả cho người nuôi tôm. Đối với Minh Phú, chúng tôi trăn trở rất nhiều và nhận ra rằng, trong điều kiện dịch bệnh lan tràn trên đồng ruộng như hiện nay thì phải nuôi tôm vừa sức tải môi trường và nuôi tôm kháng bệnh.

Nút thắt lớn nhất của thủy sản Việt Nam cũng như ngành tôm là kháng sinh. Nút thắt lớn thứ hai là vi sinh có hại. Chỉ khi gỡ được 2 nút thắt rất lớn này may ra ngành tôm Việt Nam mới bứt phá được thực sự, còn không thì rất khó.

Thú thực, hai nút thắt này ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Những vấn đề này đều thuộc quyền quản lý và giải quyết của các cơ quan từ Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng như các địa phương.

Còn vấn đề về giá thức ăn cho tôm. Theo ông, hiện nay, giá có phải quá cao và cần kiểm soát như thế nào để đảm bảo chất lượng thức ăn của tôm?

- Thức ăn tôm ở Việt Nam không cao hơn các nước trong khu vực. Hiện tại, giá thức ăn cho tôm ở Thái Lan là 1,2USD, các nước trong khu vực cũng 1 – 1,2USD. Trong khi đó, giá thức ăn cho tôm của chúng tôi mua tại các nhà máy cũng 25.000 đồng, tương đương các nước.

Chúng ta mua giá cao hơn vì buôn bán qua rất nhiều trung gian, đại lý cấp 1, 2, 3, 4… mỗi cấp thêm vài ngàn đồng. Chỉ có những đại lý cấp dưới sát với người nuôi tôm nhất mới có thể thu được tiền thức ăn. Họ cộng thêm 5.000 – 6.000 đồng/kg, thậm chí 10.000 đồng/kg tôm để bù vào tình trạng không thu được tiền thức ăn.

Chế phẩm vi sinh, thuốc cũng qua nhiều tầng lớp trung gian, qua mỗi cấp cộng thêm 30 – 50% nên người nuôi phải gánh chịu chi phí cao. Để giải quyết vấn đề này, nếu DN xã hội liên kết với DN cung cấp thì giá sẽ không bị đẩy lên, giá thức ăn tôm cũng vậy.

Xin cảm ơn ông!

Lê Anh Xuân - Bác sĩ tôm, Tổng giám đốc Công ty Trúc Anh:

Tôm sử dụng kháng sinh và hóa chất sẽ bị tẩy chay

Nguy hiểm của nuôi tôm sử dụng kháng sinh và hóa chất là người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ tẩy chay. Nó cũng sẽ tạo ra những dòng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng mạnh và tạo bệnh mới lờn thuốc. Ngoài ra, sẽ gây mất cân bằng sinh thái và sinh ra những vi sinh vật mới có hại hơn cho môi trường, động vật nuôi và con người. Cuối cùng, tác hại nữa là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế mà người dân mới tẩy chay.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm - nguyên Chủ nhiệm HTX tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng):

Nông dân không bơm tạp chất vào tôm mà là đại lý

Tôi khẳng định việc bơm tạp chất phần lớn không phải nông dân mà đại lý làm để bán kiếm lời vì lợi nhuận cao. Nhà nước cần xử lý mạnh tay vì tôm này nếu bán ra nước ngoài sẽ làm hình ảnh con tôm Việt Nam trở nên rất xấu xí, khó mở rộng thị trường. Theo tôi, cần xử lý luôn người mua bơm tạp chất. Về chất lượng thì tôm nuôi tại đầm có chất lượng tốt, các thủ thuật ngâm chủ yếu ở người mua là thương lái. Vì vậy, nhà máy mua tôm cần đưa ra tiêu chuẩn về giá để điều chỉnh sẽ đảm bảo chất lượng khi thu mua.

Thích Quảng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem