Phóng viên NTNN đã phỏng vấn bà Vũ Thị Quỳnh Hoa (ảnh) - điều phối viên Chương trình vận động chính sách và truyền thông, Tổ chức Oxfam về việc rà soát chính sách và cung cấp các khuyến nghị để giảm sự chồng chéo về chính sách.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa
Oxfam vừa thực hiện rà soát về chính sách giảm nghèo, bà nhận định thế nào về các chính sách dành cho giảm nghèo/tác động tới giảm nghèo ở VN hiện nay? - Kết quả tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật gần đây của Oxfam cho thấy: Tính đến tháng 3, các cơ quan từ cấp bộ trở lên đã ban hành 501 văn bản về giảm nghèo, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo; 313 văn bản liên quan gián tiếp đến giảm nghèo.
Đời sống người dân vùng sâu, xa còn khó khăn, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Trong số 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo có thể phân loại theo 21 nhóm lĩnh vực hỗ trợ, nhiều nhất là các chính sách điều hành chung (43 văn bản), hỗ trợ về điều kiện sống (42 văn bản), tín dụng (37 văn bản), cơ sở hạ tầng (32 văn bản), đào tạo/bố trí cán bộ/nâng cao năng lực giảm nghèo (28 văn bản), dạy nghề/tạo việc làm/xuất khẩu lao động (28 văn bản), giáo dục (30 văn bản). Ít nhất là về tổ nhóm/HTX (4 văn bản), dân tộc rất ít người (6 văn bản) và người nhập cư (1 văn bản). Văn bản nhiều nhưng sự liên kết chưa rõ ràng. Ngoài ra, có quá nhiều chính sách riêng biệt và đặc thù tạo nên sự chồng chéo và tản mạn của chính sách giảm nghèo
Vì sao bà có nhận định văn bản nhiều nhưng tản mạn và chồng chéo?- Vấn đề về chồng chéo chính sách cũng đã được nhắc đến tại các cuộc thảo luận gần đây của Quốc hội và Bộ LĐTBXH. Rà soát chính sách giảm nghèo của Oxfam gần đây một lần nữa khẳng định sự chồng chéo về chính sách trong thời gian vừa rồi.
Cụ thể, chồng chéo, tản mạn về đối tượng thụ hưởng, do đó dẫn đến việc xác định đối tượng hưởng lợi còn nhiều hạn chế: Hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số là đối tượng thụ hưởng của rất nhiều chính sách, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a... chưa kể các chính sách đặc thù cho vùng.
Mức độ chồng chéo, tản mạn cả về nội dung hỗ trợ: Cùng một nội dung hỗ trợ nhưng có nhiều chính sách, chương trình, dự án cùng hướng tới. Có tới 6 chính sách hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn, 5 chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nhà văn hóa thông tin, 4 chính sách và hỗ trợ xây dựng trạm y tế...
Được biết Oxfam đã khảo sát tại 7 tỉnh, tiếng nói của các tỉnh khi phản biện về sự chồng chéo, thiếu liên kết của chính sách giảm nghèo thế nào?
- Thực tế cho thấy nhu cầu về đổi mới chính sách, tránh chồng chéo, phân bổ và sử dụng hiệu quả các chính sách giảm nghèo được sự đồng thuận rất cao của các tỉnh.
Tính cấp thiết trong thiết kế, sửa đổi các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận trong phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cuối tháng 2 vừa qua. Điều quan trọng nhất tại thời điểm này là cần có các “bằng chứng”- phản hồi của người dân tại cơ sở về hiệu quả chính sách và đánh giá chuyên sâu độc lập theo từng ngành đề ra khuyến nghị cụ thể về “cách làm”. Do đó, cần có sự tham gia của các bên đề xuất các giải pháp về chính sách giảm nghèo hiệu quả trong thời gian tới.
Dự án “Theo dõi chính sách dành cho người nghèo ở Việt Nam” sẽ góp phần thế nào trong việc hỗ trợ để chỉ ra và giảm thiểu sự chồng chéo, thiếu liên kết về chính sách giảm nghèo?
Dự án “Theo dõi và đánh giá chính sách giảm nghèo” do Cơ quan Viện trợ Chính phủ Ailen và Chương trình Hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam tài trợ. Có 3 mảng chính sách được lựa chọn phù hợp với giảm nghèo (sơ đồ); Oxfam sẽ tập trung tư vấn/vận động thay đổi chính sách để có sự liên kết giữa 3 mảng này nhằm hỗ trợ người nghèo có việc làm bền vững.
|
- Dự án sẽ đưa ra những phát hiện và ý kiến khuyến nghị dựa trên bằng chứng thu thập được để thông tin tới Quốc hội, các bộ, ngành, các nhà tài trợ và người dân về việc đổi mới xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người nghèo.
Cụ thể với mảng chính sách chọn lọc, chúng tôi mong muốn đóng góp các phân tích và khuyến nghị về cơ chế, quy trình, hướng dẫn lập kế hoạch và phân cấp tài chính ở cấp cơ sở, giúp tăng cường tiếng nói và sự tham gia của cộng đồng và người dân trong các nỗ lực giảm nghèo; chính sách và kế hoạch khuyến nông đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nghèo dân tộc thiểu số, thông qua tăng cường mối liên kết giữa khuyến nông với dạy nghề, tín dụng, tổ nhóm nông dân, HTX, làng nghề, doanh nghiệp
Nếu nói ngắn gọn về khuyến nghị để chính sách giảm nghèo được thực hiện tốt hơn, bà nói gì?- Tôi mong muốn bên cạnh việc tích hợp và lồng ghép chính sách giảm nghèo tại Trung ương, cần phân cấp trao quyền cho địa phương và nâng cao vai trò tham mưu của cơ quan giảm nghèo để giải quyết thách thức về chồng chéo chính sách. Việc tiếp cận của các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, theo tôi cũng cần thay đổi theo hướng linh hoạt và phù hợp hơn với khác biệt về bản chất nghèo của các vùng, miền, nhóm dân cư khác nhau.
Xin cảm ơn bà!
Huyền Thanh (thực hiện) (Huyền Thanh (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.