Chống tham nhũng chưa thật quyết liệt

Thứ năm, ngày 24/03/2011 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều đại biểu đã nói như vậy trong phiên thảo luận tổ hôm qua 23.3 góp ý báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ.
Bình luận 0

Bão giá, nên xem lại một số dự án

Theo các đại biểu, nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để ổn định nền kinh tế vĩ mô, đưa đất nước thoát suy thoái, đảm bảo tốt các điều kiện về phúc lợi cho người dân... Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung mổ xẻ 4 vấn đề nóng trong nhiệm kỳ: Việc mở rộng thủ đô; Dự án bauxite ở Tây Nguyên; Đại dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) và vụ Vinashin.

img
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Lê Minh Hồng (TP.HCM) thẳng thắn: Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ cho thấy Chính phủ chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong công tác chống tham nhũng. Cử tri băn khoăn không hiểu chúng ta có thực lòng chống tham nhũng hay không!

Đại biểu Nguyễn Viết Thịnh (Hà Nội) thắc mắc, việc cho nước ngoài thuê rừng được dư luận rất quan tâm nhưng sau đó không thấy các bộ, ngành phản ứng, không kết luận là đúng hay sai. Riêng vụ Vinashin “cái chủ quan là chậm, là không phát hiện được”.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (BR-VT) đề nghị đang trong thời bão giá, nhiều vấn đề khó khăn, Chính phủ nên xem xét lại những dự án lớn. Dẫn ra các ví dụ “Dự án bauxite giải thích chưa ổn lắm”; “Điện hạt nhân nói ở Nhật Bản công nghệ cũ còn ta mới không thuyết phục”..., ông Dũng nói: “Nhà nước nên lắng nghe công luận, đặc biệt ý kiến của các nhà khoa học”.

Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Lăk) cũng nhận xét: Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ đề cập chưa nhiều đến phân hóa giàu nghèo hiện nay, trong khi cái phân hóa là vấn đề nền tảng, là ổn định xã hội...

Hành vi đẻ thuê cần được đưa vào luật

Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo chống mua bán người. Đại biểu Nguyễn Đình Lưu (Ninh Thuận) góp ý: Các nạn nhân bị mua bán. Khi được phát hiện rất thiếu thốn về vật chất đã đành, nhưng đặc biệt là thiếu thốn về sự chăm sóc y tế, vật dụng thiết yếu, sự quan tâm về tinh thần... Nếu như trong quy định chỉ có cơ quan quản lý lao động xã hội có trách nhiệm không thì không đủ khả năng, kinh phí.

Ông cho rằng nên quy định thêm và để cho các cơ sở bảo trợ xã hội cùng có trách nhiệm. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng đề nghị bổ sung quy định nội dung tuyên truyền trong các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa vì đây là khu vực có nhiều đối tượng dễ bị trở thành nạn nhân của tình trạng mua bán người.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập hành vi đẻ thuê xuất hiện trong thời gian gần đây và đề nghị, nếu luật pháp chưa quy định rõ thì lần này nên bổ sung vào luật vì thực chất đây cũng là hành vi mua người, mua bán trẻ em. “Chúng ta giữ quan điểm đối xử nhân đạo nhưng cũng phải đảm bảo sự răn đe”- ông nói.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, (TP.Hồ Chí Minh) quan tâm đến các vấn đề về hỗ trợ nạn nhân. Ông nói: Tôi ủng hộ ý kiến cho phép cá nhân, tổ chức xã hội sử dụng vốn tự có để đứng ra thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Theo tôi ý kiến đó là phù hợp với chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem