Vì sao dành nhiều thời lượng tổ chức dạy học trên lớp cho đọc hiểu?
Trong chương trình Ngữ văn 2018, phần hướng dẫn ở cuối văn bản có nêu tỉ lệ thời lượng dành cho các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe... Cụ thể, với cấp THPT, đọc hiểu khoảng 60%, viết 25%, nói nghe 10% và 5% cho đánh giá. Vậy khi kiểm tra định kì, cuối năm, cuối cấp có phải dành tỉ lệ điểm cho các phần tương ứng như trên trong một bài thi hay không?
Trước câu hỏi này, PGS Đỗ Ngọc Thống khẳng định: Quy định nêu trên của chương trình không phải là quy định tỉ lệ điểm cho phần kiểm tra, đánh giá mà là cho biên soạn sách giáo khoa và tổ chức dạy học trên lớp. Sở dĩ thời lượng dành cho đọc hiểu nhiều là vì lí do sau:
Số lượng văn bản, tác phẩm cần cung cấp, giới thiệu cho học sinh đọc hiểu là rất lớn. Mỗi lớp đều phải dạy đọc hiểu cả 3 loại: văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin với nhiều thể loại, tiểu loại khác nhau.
Các văn bản đọc hiểu lại phải phản ánh được thành tựu tiêu biểu của văn học dân tộc và một số tác phẩm nổi tiếng của văn học nước ngoài. Chính vì thế chương trình phải dành một thời lượng đủ lớn mới chuyển tải và đáp ứng được yêu cầu về việc dạy đọc hiểu. Cũng như chương trình trước đây, phần giảng văn bao giờ cũng chiếm nhiều thời gian nhất trong bộ môn Văn.
Trong khi đó, dạy kĩ năng viết chỉ tập trung vào một số kiểu văn bản. Với cấp THPT chủ yếu dạy viết kiểu bài nghị luận, gồm nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Vì thế, không cần và không có nhiều thời lượng để dạy về việc viết kiểu bài nghị luận như phần đọc hiểu. Kĩ năng nói và nghe còn ít hơn nữa...
Vì sao bài kiểm tra không nhiều thời gian, số điểm cho kĩ năng đọc hiểu?
Cũng theo PGS Đỗ Ngọc Thống, khi kiểm tra hoặc thi, kĩ năng viết với môn Ngữ văn lại rất quan trọng. Mỗi bài kiểm tra chỉ tập trung đánh giá kĩ năng đọc hiểu của một thể loại cụ thể nào đó, với các câu trả lời ngắn gọn. Còn yêu cầu viết lại rất cần thời gian và mất nhiều công sức hơn. Học sinh phải suy nghĩ để tìm ý, lập dàn ý, sau đó phải biết diễn đạt sao cho đúng và hay những ý đã có là không đơn giản.
Vì thế, trong bài kiểm tra không cần nhiều thời gian cũng như số điểm cho kĩ năng đọc hiểu. Ngoài ra, kĩ năng đọc hiểu còn được đánh giá trong cả phần viết. Viết bài nghị luận phân tích về một bài thơ hay một truyện ngắn, trước hết phải đọc hiểu bài thơ và truyện ngắn ấy.
Đây là một trong những lí do của việc đề thi, kiểm tra trong chương trình truyền thống chỉ yêu cầu viết bài văn, không có yêu cầu đánh giá đọc hiểu riêng. Chương trình 2006 cũng đã theo hướng dạy đọc hiểu văn bản, thời lượng dành cho đọc hiểu ở chương trình 2006 cũng rất cao, tương đương với chương trình 2018; nhưng trong các kì thi quốc gia THPT (từ 2015 trở đi), tỉ lệ đọc hiểu cũng chỉ chiếm 3 điểm, phần viết 7 điểm.
Như thế, số điểm dành cho phần đọc hiểu và viết trong kiểm tra, đánh giá cần cân đối, phù hợp. Cân đối không phải là chia đều; cũng không phải hiểu một cách cơ học từ thời lượng dành cho đọc hiểu 60% suy ra đánh giá kĩ năng này cũng cần 60% điểm. Sự cân đối tùy vào yêu cầu, tính chất mỗi kì thi và cấu trúc đề cụ thể.
PGS Đỗ Ngọc Thống đưa ví dụ: Nếu đề kiểm tra toàn diện (có cả đọc hiểu và viết, trong viết lại có cả nghị luận văn học, nghị luận xã hội) thì tỉ lệ điểm cho các phần như định dạng và cấu trúc đề thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố là cân đối, phù hợp.
Nếu đề chỉ yêu cầu đọc hiểu và viết một câu (nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học) thì tỉ lệ đọc hiểu và viết có thể là 50/50.
Nếu đề chỉ nhằm đánh giá đọc hiểu hoặc viết thì đương nhiên 100% dành cho mỗi yêu cầu. Chẳng hạn Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chỉ tập trung vào năng lực đọc hiểu; còn các kì thi học sinh giỏi quốc gia của nước ta chỉ tập trung vào viết.
“Tóm lại, việc suy từ thời lượng dành cho các kĩ năng nêu ở phần giải thích chương trình 2018 sang tỉ lệ điểm trong bài kiểm tra, đánh giá định kì cho phần đọc hiểu và viết là không đúng.
Nếu hiểu thế thì với cấp THCS, đọc hiểu khoảng 63%, viết khoảng 22% thì tỉ lệ điểm của đọc hiểu phải 63%? Và vì sao viết ghi có 22% mà tỉ lệ ở bài kiểm tra lại lên 40%?... Trong thời gian qua, một số thầy cô và nhà trường ở một số địa phương đã hiểu nhầm yêu cầu này; vì thế cần trao đổi để hiểu và triển khai chương trình 2018 đúng hơn”, PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.