Chú bò tót "si tình" và các nhà khoa học

Thứ sáu, ngày 10/09/2010 14:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Con bò tót "si tình" xuất hiện ở bìa rừng Ninh Thuận gần đây đã chiếm khá nhiều không gian trên trang báo giấy cũng như báo mạng.
Bình luận 0

Vậy là chú bò tót thuộc loài quý hiếm bên bờ bị diệt chủng, dám đương đầu với nguy hiểm khi lân la gần nơi ở của con người chỉ vì “tình yêu” với mấy con bò cái nhà nhỏ nhắn dễ thương. Hơn thế nữa, chú đang gặp vận may. Người ta dự định cưới cho chú không những một mà đến 5 bà vợ! Cầu trời phù hộ chú bò sẽ nay mai "con (lai) đàn cháu đống”.

Những chuyện đó tuy liên quan đến bò nhưng cũng rất nhân văn vì cho đến nay tuy "sớm đào tối mận lân la" với bò nhà, phá phách nương rẫy của bà con cũng đã nhiều mà chú chưa bị dân săn trộm xử lý.

Nhưng cũng thật buồn thay nếu nhìn vấn đề dưới cái nhìn khoa học. Đã nhiều năm nay con bò tót quý hiếm lạc đàn (hay bị đàn sa thải) thay đổi hành vi một cách khác thường như thế mà không hề thấy một trường đại học nào, một viện nghiên cứu nào, thậm chí một tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm nào lên tiếng và quan tâm! Hình như giới khoa học và các khoa sinh vật của hàng chục trường đại học trong nước bàng quan trước một đề tài như thế!

Thay vì có những dự án nghiên cứu khoa học nghiêm túc, các nhà khoa học làm ngơ cả năm nay và dành trận địa tưởng tượng cho phóng viên báo chí, những "đồng chí lãnh đạo" huyện, tỉnh thả cửa phát ngôn tùy hứng và đầy chất lãng mạn!

Nhớ lại, khi các nhà khoa học thế giới và Việt Nam lao vào cuộc tìm kiếm tuyệt vọng bóng dáng con bò xám Kouprey ở Tây Nguyên và Nam Lào hơn mười năm trước, nhà khoa học Noel Vietmayer thuộc Viện Hàn Lâm khoa học quốc gia Mỹ, một chuyên gia chuyên về giá trị kinh tế của các loài động vật nhiệt đới đã tuyến bố:

"Bò xám có khả năng là nguồn gen có giá trị nhất trái đất làm tăng khả năng chịu đựng cho đàn súc vật nuôi, có thể cải tạo số đông, nếu không nói là tất cả đàn bò thế giới". Vietmayer cũng nói việc lai tạo với bò xám Đông Dương (nếu có) sẽ có thể cung cấp nguồn gen giá trị đến 1 tỷ đôla! (Theo Steve Hendrix/Reader's Digest 6 /1996).

Nếu không được như bò xám Kouprey đi nữa thì con bò tót ở Ninh Thuận chắc chắn có một giá trị khoa học nào đó hơn là câu chuyện tình đang mùi mẫn (nhưng rất tầm phào) của nó trên báo chí. Các vị đi đâu cả rồi, các nhà khoa học của chúng ta

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem