Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính là chủ đầu tư của dự án cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe chưa được một tháng đã chi chít "ổ gà" khiến dư luận bức xúc.
VEC - từ doanh nghiệp “con cưng”...
VEC là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chính thức ra mắt hoạt động từ ngày 12.02.2004 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng (được điều chỉnh đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng).
Đây là một trong 16 doanh nghiệp, tổng công ty thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Tới đây VEC sẽ được chuyển về chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Doanh nghiệp này cũng được xem là "ông trùm" đường cao tốc tại Việt Nam khi giữ vai trò chủ đầu tư của hàng nghìn km đường cao tốc đã và đang triển khai khắp cả nước.
Tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 1.3.2016, VEC được xác định là đơn vị nòng cốt, chủ lực trong việc xây dựng và phát triển đường cao tốc ở Việt Nam. Chính phủ có cơ chế áp dụng thí điểm cho các dự án của VEC và đây là một cơ chế đặc thù hết sức linh hoạt, không giống bất kỳ ban quản lý dự án nào của Bộ GTVT.
Việc huy động vốn của VEC được áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR (vốn vay thương mại) của Ngân hàng phát triển châu Á, nguồn IBRD (Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển) của World Bank và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và khi phát hành trái phiếu công trình…
(Nguồn Zing)
Về cơ chế hoàn vốn, VEC được thu phí trước tiên để hoàn phần vốn VEC vay và huy động, sau đó tiếp tục hoàn phần vốn Nhà nước cấp phát ODA, phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và để tái đầu tư các dự án mới.
Như vậy, VEC vừa là chủ đầu tư, vừa trực tiếp triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc, lại vừa thực hiện kinh doanh để thu hồi vốn.
Trên lý thuyết, VEC là doanh nghiệp hoạt động theo hình thức đầu tư hoàn vốn không bao cấp. Ngoài vốn điều lệ ban đầu được nhà nước cấp, VEC phải đi vay để đầu tư, bao gồm vay vốn ODA, vốn thương mại và phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. VEC phải tự thanh toán các khoản vay và lãi tới hạn.
Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các khoản nợ được bảo lãnh đến hạn VEC đều không trả được, buộc Chính phủ đứng ra trả nợ thay.
Tất cả những dẫn chứng trên cho thấy, hiếm có doanh nghiệp thuận lợi đủ đường như "con cưng" VEC, ít nhất là không vất vả trong chuyện "chạy suất đầu tư" hay "chạy dự án" như hầu hết các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. Nhưng dù được ưu ái đến mấy thì tiền từ ngân sách chi ra hay VEC đi vay bằng danh nghĩa doanh nghiệp của nhà nước cũng đều phải đưa lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể ở đây là những mét đường cao tốc phải đúng nghĩa đường cao tốc, nhất là khi suất đầu tư đang được xem là cao nhất thế giới.
…nay trở thành “con nợ”
Theo báo cáo tài chính mới nhất mà VEC công bố, tính đến cuối năm 2016, doanh nghiệp này có tổng tài sản lên tới 77.300 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm giá trị từ tài sản cố định và tài sản dở dang là các tuyến đường cao tốc "ông lớn" này đã và đang xây dựng.
Tuy nhiên, để sở hữu khối tài sản khổng lồ như vậy, VEC cũng phải gánh khoản nợ phải trả lên tới 34.500 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn công ty. Trong số này, hơn 9.000 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, còn lại hơn 25.500 tỷ đồng là nợ dài hạn.
Bên cạnh đó, gần như 99% số nợ VEC phải trả thời điểm này đều là tiền đi vay và thuê tài chính. Các khoản nợ khác chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Trong năm 2016, VEC đã vay thêm 1.388 tỷ đồng, gấp 8 lần so với số tiền tổng công ty này vay trong năm 2015.
Tổng vốn chủ sở hữu của công ty đến cuối 2016 vào khoảng 42.800 tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng, còn lại gần 41.800 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình là vốn đầu tư xây dựng cơ bản của VEC.
(Nguồn Zing)
Năm 2016, VEC ghi nhận 2.216 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với năm 2015. Kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù với giá vốn rất thấp, tổng công ty này thu về tới 2.153 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, chi phí tài chính lên tới 2.000 tỷ đồng chủ yếu là các khoản trả nợ trong và ngoài nước khiến lãi ròng công ty thu về chỉ đạt 122 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với năm trước đó.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, VEC sẽ đạt khoảng 3.397 tỷ đồng doanh thu trong năm nay và thu về gần 366 tỷ lãi ròng sau thuế.
Công ty này cũng lên kế hoạch trả nợ trong và ngoài nước với tổng giá trị 1.933 tỷ đồng, bao gồm, trả nợ cho các khoản vay đến hạn phần vốn ADB là 717 tỷ đồng; trả nợ lãi, phí vay lại là 868 tỷ đồng và trả lãi trái phiếu từ 2016-2018 với mức phí là 116 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, có vẻ như mọi kế hoạch của VEC đã không trở thành hiện thực. Bởi với dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng) đang phải dừng thu phí để vá víu, sửa chữa.
Theo tính toán, VEC sẽ phải dừng thu phí ít nhất 6 ngày, gây thất thu cho chủ đầu tư là VEC khoảng 3,6 tỷ đồng, một con số cũng không hề khiêm tốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.