Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm: Hiệu quả từ công tác lấy mẫu giám sát chủ động lưu hành virus cúm gia cầm
Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm: Hiệu quả từ công tác lấy mẫu giám sát chủ động lưu hành virus cúm gia cầm
Lê Tập
Thứ hai, ngày 07/10/2024 09:44 AM (GMT+7)
Hiện nay, thời tiết ở miền Trung đang trong giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi các loại mầm bệnh phát triển. Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ngành thú y và chính quyền các cấp đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, việc lấy mẫu giám sát chủ động lưu hành virus cúm gia cầm, biện pháp nhằm sớm phát hiện dịch.
Bệnh cúm gia cầm (CGC) là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm (bao gồm cả gia cầm nuôi, chim yến, chim hoang dã) và động vật có vú (gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người), gây ra bởi virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae, là loại virus có bộ gen ARN, có vỏ bọc bằng lypit.
Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh CGC trầm trọng, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%; vịt thường mang mầm bệnh, có thể có hoặc không có triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc virus CGC ra môi trường. Một số chủng virus CGC không gây bệnh hoặc ít gây bệnh lâm sàng ở gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh và gây tử vong ở người (ví dụ chủng virus CGC A/H7N9…).
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch CGC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 về Ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019-2025. Hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
Từ năm 2019 đến tháng 9 năm 2024, đã tiến hành lấy 562 mẫu (mẫu gộp), kết quả có 53 mẫu dương tính (+) virus CGC (chiếm 9,43%). Kết quả giám sát những năm gần đây cho thấy tỷ lệ lưu hành virus CGC type A/H5, A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8. Các trường hợp mẫu phát hiện dương tính với virus CGC, Chi cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương truy xuất nguồn gốc, xử lý theo quy định, tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại các chợ, điểm thu gom...
Hoạt động lấy mẫu giám sát lưu hành bệnh cúm gia cầm đã đánh giá được một phần hiệu quả trong việc phòng, chống dịch bệnh, giám sát phát hiện sớm ổ dịch, xác định được sự lưu hành của virus cúm gia cầm từ đó giúp cơ quan Thú y cảnh báo dịch bệnh, cơ quan quản lý và các địa phương có các giải pháp, biện pháp triển khai công tác phòng, chống dịch nhanh chóng.
Công tác phòng, chống dịch bệnh cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để đạt được hiệu quả cao nhất. Qua đó từng bước kiểm soát, khống chế dịch bệnh Cúm gia cầm góp phần xây dựng ngành chăn nuôi gia cầm nước ta nói chung và tỉnh nhà phát triển ổn định bền vững.
Nhờ thực hiện tốt công tác lấy mẫu giám sát lưu hành virus CGC nên đã chủ động phát hiện, cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh CGC có hiệu quả. Do vậy, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ xảy ra một số ổ dịch CGC nhỏ lẻ, các ổ dịch đã được xử lý, khống chế trong diện hẹp, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Trần Võ Ba – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho biết: "Việc lấy mẫu xét nghiệm chủ động là giải pháp rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh CGC. Đồng thời, triển khai các kế hoạch, chương trình phòng chống dịch bệnh đã được phê duyệt, các địa phương tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch mới phát sinh".
"Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm được tập trung chỉ đạo hàng năm. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết một, buôn bán động vật nên đã giảm thiểu dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thiệt hại cho người chăn nuôi", ông Trần Võ Ba – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.