Như Dân Việt đã thông tin, Khoảng 8h ngày 7/9, cháu H.V.V (10 tuổi, trú xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang) đang nằm xem điện thoại trên giường tại nhà thì bất ngờ bị chú họ Hoàng Văn Lưu (39 tuổi, cùng trú thôn Đá Cối) dùng dao tấn công.
Cháu bé được người nhà đưa đi cấp cứuCháu bé được người nhà đưa đi cấp cứu. Ảnh: IT
Cháu V. bị đối tượng Lưu chém đứt bàn tay trái, bị thương ở tay phải và góc mắt trái.
Ông Lục Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Giáo Liêm, cho biết tình hình sức khỏe của bé rất nguy kịch.
Theo lãnh đạo địa phương, trước khi sự việc xảy ra, ông Lưu ít nhất 2 lần cầm dao đi chém hàng xóm nên mọi người vô cùng lo sợ. Ông Lưu bị đồn là có dấu hiệu bất thường về tâm lý nhưng không có giấy tờ chứng minh. Sau thông tin này, dư luận đặt câu hỏi, người có thần kinh không bình thường gây án sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe... của người khác bị xử lý hình sự khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, trong đó có dấu hiệu về mặt chủ thể. Chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải có năng lực hành vi dân sự, phải đủ điều kiện về tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình, khi đó mới xác định được lỗi của người đó, làm cơ sở để buộc tội.
Tuy nhiên, khi một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì mọi hành vi do người đó thực hiện đều không có lỗi bởi không thỏa mãn điều kiện dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.
Bởi vậy bất cứ hậu quả nào xảy ra cũng không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm nên về mặt lý luận thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp này.
Còn đối với những người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi trước và trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên khi xét xử, Toà án sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do yếu tố khách quan tác động đến ý chí, đến hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Lưu đã chém trọng thương cháu trai. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Quay lại vụ việc ở Bắc Giang, theo luật sư Cường, nếu đối tượng có dấu hiệu bệnh lý tâm thần cơ quan điều tra sẽ đưa đối tượng đi giám định tâm thần, kết quả giám định tâm thần sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc.
Nếu kết luận giám định tâm thần cho thấy đối tượng không bị tâm thần mà chỉ do say rượu, đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi...
Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng bị mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức trước trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra nhưng sẽ bị bắt buộc áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh.
Như vậy biện pháp xử lý hình sự hay hành chính đối với đối tượng này sẽ phụ thuộc vào mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng.
Trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi chém lìa tay nạn nhân không phải vì bệnh lý làm mất khả năng nhận thức thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự.
Mức hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt sẽ phụ thuộc vào hậu quả hậu quả xảy ra, tỉ lệ thương tích đối với nạn nhân và các yếu tố khác trong đó có yêu tố nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối tượng này chỉ được loại trừ trách nhiệm hình sự khi có kết luận giám định của cơ quan giám định pháp y xác định đối tượng này đã bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức trước và trong khi thực hiện hành vi gây thương tích cho nạn nhân.
Trong trường hợp này sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự tuy nhiên sẽ bắt buộc chữa bệnh và người đại diện, giám hộ của đối tượng này có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại cho nạn nhân theo quy định pháp luật bao gồm: chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền công người chăm sóc và tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương tối thiểu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.