Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã, khung hình phạt có tăng?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 13/05/2022 13:49 PM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC được xác định đã bỏ trốn, ở góc nhìn pháp lý đây có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn không phải là tình tiết tăng nặng

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC, bị truy nã để làm rõ sai phạm trong vụ án đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Quyết định truy nã bà Nhàn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành ngày 10/5, sau 11 ngày ra quyết định khởi tố bị can. Bà Nhàn bị xác định bỏ trốn từ ngày 19/6/2021.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, mức phạt có tăng gấp đôi? - Ảnh 1.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trước khi bỏ trốn. Ảnh: XH

Theo quyết định, bà Nhàn sinh năm 1969 ở Bắc Ninh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Nơi ở trước khi bị bắt của bà Nhàn là căn hộ 1709-1710 chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

"Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất", quyết định truy nã nêu.

Trước đó ngày 29/4, bà Nhàn cùng ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật quy định bị can bỏ trốn không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và khi trở về đầu thú cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà chỉ có "tự thú" mới là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, việc bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ được xem là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc bà Nhàn bỏ trốn, bị truy nã không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong những yếu tố tác động đến loại hình phạt và mức hình phạt. Mà hình phạt chỉ được đặt ra khi bị cáo bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Pháp luật cũng quy định, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, việc bị can bỏ trốn sẽ cản trở cho hoạt động điều tra, sẽ đánh giá thái độ của bị can là chưa ăn năn, chưa thành khẩn, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Bởi vậy, nếu sau này tòa án kết tội, những bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, không thành khẩn khai báo, không thể hiện thái độ ăn năn hối cải, hình phạt cũng sẽ bị áp dụng nghiêm khắc hơn với những bị cáo khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn ra nước ngoài, xử lý được không?

Ngoài ra, luật sư Lan cũng cho biết, trong trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn ra nước ngoài thì sẽ dẫn độ về Việt Nam để xử lý.

Điều 32, chương 4 Luật Tương trợ tư pháp quy định, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Theo quy định, yêu cầu dẫn độ được gửi thông qua đường ngoại giao. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải kèm theo các tài liệu mô tả chi tiết về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm các thông tin để xác định đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi cư trú của người đó...

Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người chưa bị kết án, phải kèm theo bản sao lệnh bắt của thẩm phán hay người có thẩm quyền khác của Việt Nam và văn bản xác nhận theo quy định của bên được yêu cầu dẫn độ, việc chuẩn bị xét xử về tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thông tin xác nhận người bị dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt.

Cũng theo quy định, để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia.

Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.

Cùng với đó, để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài.

Tuy nhiên, trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem