Chuyên gia chăm sóc hổ: Tiêm thuốc mê để cứu hộ động vật, nếu không có kinh nghiệm 10 con sẽ chết 5

Văn Dũng Thứ bảy, ngày 14/08/2021 08:16 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia, bác sĩ thú y có kinh nghiệm hàng chục năm trong việc chăm sóc, vận chuyển động vật hoang dã - đặc biệt là hổ - đã có những chia sẻ về quy trình tiêm và giải thuốc mê, vận chuyển hổ từ chỗ này qua chỗ khác, một cách an toàn.
Bình luận 0


Gây mê cho hổ phải tuân thủ nguyên tắc an toàn

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ thú y Trần Đăng Trung – phó Giám đốc Điều hành FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), người từng có 20 năm phụ trách lĩnh vực chăm sóc thú ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP.HCM) cho biết, việc gây mê cho động vật quý hiếm, đặc biệt là hổ thì cần phải tuân thủ theo nguyên tắc.

Cụ thể, loại thuốc dùng để gây mê là thuốc gì, có phù hợp với động vật cần gây mê hay không. Đặc biệt, thuốc gây mê dùng đơn điệu hay phối hợp.

Trong trường hợp sử dụng thuốc mê phối hợp, cần phải tính toán liều lượng ra sao. Trước khi gây mê, cần phải kiểm tra kỹ thể trạng của con hổ xem là ốm hay mập, nhịp thở có được bình thường không. 

Bên cạnh đó, cần phải ngưng cho hổ ăn trong khoảng 24 giờ, ngưng cho uống nước trước 4 tiếng để đảm bảo không bị tắc nghẽn đường khí thở của con vật. Sau đó, mới chọn loại thuốc (loại pha trộn hoặc đơn thuần) rồi tiến hành gây mê.

Chuyên gia chăm sóc hổ chia sẻ về quy trình tiêm thuốc mê để vận chuyển - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, bác sĩ thú y có nhiều kinh nghiệm, việc gây mê cho hổ cần phải đảm bảo đúng nguyên tắc an toàn. Ảnh chụp tại vườn thú KDL Đại Nam (Ảnh: KDL Đại Nam)

Đối với gây mê để vận chuyển, cần phải tính toán kỹ quãng đường, phương tiện vận chuyển để pha liều lượng phù hợp.

"Khi gây mê xong, sẽ cho hổ vào một cái lồng chắc chắn và tiến hành giải mê ngay. Còn nếu để hổ mê một thời gian dài khoảng 10 – 12 giờ và vận chuyển đi quãng đường xa, thời tiết nắng nóng sẽ làm nhiệt độ cơ thể của con vật tăng lên và tử vong. 

Đối với việc giải mê, cần phải chích vào mạch máu, thì lượng thuốc giải sẽ nhanh, giúp con vật nhanh tỉnh hơn là chích ở phần bắp" - ông Trung chia sẻ.

Cũng theo ông Trung, người gây mê phải đòi hỏi có kinh nghiệm nhiều, tính toán được các tình huống xấu có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời. Ông Trung khẳng định, không có phương pháp gây mê nào an toàn tuyệt đối hết, nếu người gây mê mà không có kinh nghiệm thì 10 con sẽ bị chết 5 con.

Ông Trung còn cho biết thêm, trong quá trình con vật đã bị gây mê, cần phải luôn luôn theo dõi nhịp thở, nhịp tim, huyết áp và theo dõi nồng độ oxy trong máu của con vật. 

Để làm được điều này thì cần gắn thiết bị y tế dạng nhỏ lên cơ thể của con vật để theo dõi trong quá trình con vật đã ngấm thuốc và vận chuyển.

Ngoài ra, phương tiện vận chuyển ngoài độ an toàn thì cần phải đáp ứng được điều kiện về môi trường, phải mát mẻ, không được nóng bức quá sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ của con vật.

Gây mê động vật hoang dã tốn liều lượng hơn động vật nuôi nhốt

Chia sẻ thêm kinh nghiệm gây mê, vận chuyển đối với động vật hoang dã và động vật nuôi nhốt. Ông Trung cho rằng đối với con vật ngoài hoang dã ở môi trường tự nhiên sẽ khoẻ mạnh và có thể trạng tốt hơn là con vật bị nuôi nhốt. 

Vì vậy, việc gây mê đối với động vật hoang dã ngoài tự nhiên sẽ tốn nhiều liều lượng thuốc mê hơn động vật nuôi nhốt trong nhà. 

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là động vật nuôi nhốt trong nhà thường không có nhiều môi trường sống, vận động tự do, vì vậy những con vật này thường bị béo phì. 

Chính vì vậy, khi gây mê đối với những con vật bị béo phì, cần phải chích vào mạch máu, phần bắp thịt, các khu vực cơ bắp như chân trước, bắp tay sẽ tốt hơn chích vào mông hay các vị trí có nhiều lớp mỡ dày.

"Khi chích thuốc mê vào các lớp mỡ của con vật, thuốc mê sẽ tan rất chậm. Những người không có kinh nghiệm sẽ không nắm được điều này và tiếp tục chích nhiều liều lượng thuốc mê vào con vật nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả, đến khi thuốc bắt đầu tan thì liều lượng trong cơ thể con vật quá nhiều sẽ gây tử vong" - ông Trung khuyến cáo.

Chuyên gia chăm sóc hổ chia sẻ về quy trình tiêm thuốc mê để vận chuyển - Ảnh 2.

Gây mê đối với động vật hoang dã ngoài tự nhiên sẽ tốn nhiều lượng thuốc so với động vật nuôi nhốt trong nhà. Ảnh chụp tại vườn thú trong KDL Đại Nam (Ảnh: KDL Đại Nam)

Cũng theo ông Trung, việc vận chuyển khiến con vật tử vong có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có yếu tố nhiệt độ của môi trường. 

Nếu khi vận chuyển con vật đi xa, phương tiện được trùm kín bạt kèm thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ tăng cao thì sẽ gây tử vong cho con vật khi đã được gây mê.

Hoặc việc trước khi gây mê mà con vật vẫn được cho ăn, thì khi thuốc mê ngấm, con vật sẽ nôn ói thức ăn ra và gây tắc nghẽn khí quản gây tắc thở và chết. Ngoài ra, có một số con vật bị suy gan, suy thận hay suy hô hấp, khi tiêm thuốc mê vào cơ thể cũng sẽ gây tử vong.

Đồng quan điểm, ông Dương Thành Phi - nguyên Giám đốc Vườn thú Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), thành viên Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA) cũng cho rằng, việc gây mê đối với động vật cần phải tuân thủ theo nguyên tắc, người thực hiện việc gây mê phải có nhiều kinh nghiệm và tính toán được các tình huống xấu để lên phương án xử lý.

Ông Phi cũng cho biết thêm, khi động vật được vận chuyển đến nơi nuôi nhốt mới, người nuôi cần cho con vật nhịn đói thêm 1 ngày, chỉ cho uống nước. 

Bởi đặc tính của động vật khi đến nơi ở mới sẽ bỏ ăn từ 1 đến 2 ngày. Đảm bảo khu vực nuôi nhốt thú phải sạch sẽ, thoáng mát và có thể phun nước cho con vật được tắm mát thường xuyên.

Theo ông Phi, việc di chuyển cùng lúc 17 con hổ, không sao cả. Nhưng khi xe di chuyển, không nên trùm bạc kín. Mặt khác, sau khi bắn thuốc mê, chưa chích thuốc giải, con thú chưa tỉnh đã vội vã cho xe di chuyển cũng là điều tối kỵ.

Người chịu trách nhiệm gây mê phải tuân thủ các yêu cầu trong gây mê và hồi sức. Phải là người quyết đinh thời khắc nào được phép xe lăn bánh và phải kiểm tra độ thông thoáng của chuồng ép. 

Một khi anh gây mê, chỉ biết gây mê; cơ quan chức năng khác thì muốn làm nhanh, rút gọn... Mọi yếu tố trên sẽ vô tình làm cho con vật không thể sống được. Thậm chí, làm trái tiêu chí bảo vệ động vật hoang dã.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem