Chủ tịch Hội NDVN: Nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp

Công Tâm Thứ sáu, ngày 25/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Trong thời gian tới, cần phải xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đó là một trong những yêu cầu của đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đối với Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận.
Bình luận 0

Ngày 24/10, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) do đồng chí Thào Xuân Sùng làm trưởng đoàn đã làm việc với Hội ND tỉnh Ninh Thuận. Buổi làm việc nhằm kiểm tra công tác hội và phong trào nông dân; tiến độ, kết quả thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư, Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ; nắm thực tiễn nhằm phục vụ việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của BCH T.Ư Hội NDVN về hỗ trợ nông dân, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Chủ động hỗ trợ nông dân

Dự buổi làm việc giữa đồng chí Thào Xuân Sùng và đoàn công tác với Hội ND tỉnh Ninh Thuận có ông Cao Văn Hóa-Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Báo cáo với Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác, ông Kiều Như Bổn - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết, thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp với các ban ngành tổ chức thực hiện.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: C.T

Trong 9 tháng qua, Hội ND các cấp tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức 27 lớp tập huấn kỹ thuật cho 1.533 lao động nông thôn. Hội mở lớp tập huấn kỹ thuật phù hợp theo yêu cầu tại  địa phương như kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, trồng táo VietGAP, phòng trị bệnh trên cây sắn, trồng lúa nước, trồng cây ăn trái, trồng măng tây xanh, trồng nho, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên lúa và hoa màu; trồng hành tím, nuôi gà thả vườn, nuôi hàu, nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng rau an toàn...

Về Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua cấp bổ sung vốn cho quỹ giai đoạn 2016 – 2020. Trong năm 2019 nguồn Quỹ HTND tăng trưởng trên 4 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối tháng 9/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Ninh Thuận đạt trên 18,5 tỷ đồng. Quỹ HTND tỉnh đã góp phần giúp Hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động của Hội và là nguồn lực chính để Hội chủ động xây dựng các dự án hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Theo ông Kiều Như Bổn, hoạt động phối hợp giữa Hội ND và các sở, ngành, địa phương cũng đạt được những kết quả tích cực. Hội đã phối hợp Sở NNPTNT triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Với ngành nông nghiệp, Hội còn phối hợp xây dựng cánh đồng lớn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hỗ trợ, tạo liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm.

Hội đã tham gia xây dựng Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Thuận Nam và tổ chức cho các tổ đoàn kết sản xuất trên biển hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trên vùng biển xa, với 170 tổ/1.018 tàu cá.

Nông dân tích cực xây dựng NTM

Theo Hội ND tỉnh Ninh Thuận, những năm qua, Hội đã hướng dẫn các cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Việc tuyên truyền, vận động của các cấp Hội gắn với những mô hình, hoạt động cụ thể như: Làm đường giao thông nông thôn, duy trì các mô hình dân vận khéo, xây dựng  gia đình văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội; nhân rộng tuyến đường tự quản sáng – xanh- sạch – đẹp và thôn, khu phố an ninh an toàn.  Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay đã có 20/47 xã của Ninh Thuận đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến cuối năm đạt 25/47 xã đạt chuẩn NTM.

Với điều kiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có ưu thế cạnh tranh, Hội ND các cấp tỉnh Ninh Thuận cần đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây là nền tảng, cơ sở để hình thành các hình thức kinh tế tập thể ở mức cao hơn…”.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng

Tại buổi làm việc, Hội ND tỉnh Ninh Thuận đề xuất, Ban Chỉ đạo đề án 61 T.Ư sớm ban hành kế hoạch chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Việc làm này là để đánh giá toàn diện kết quả và những hạn chế. Qua tổng kết, đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về “Xây dựng Hội ND và giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến 2045”.

Hiện nay, nông nghiệp Ninh Thuận đang phát triển mạnh mẽ với việc hình thành nhiều sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, đề nghị T.Ư Hội NDVN, các bộ, ngành hỗ trợ nông dân trong tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản…

Ông Nguyễn Khắc Lâm-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, mặc dù thời tiết ở địa phương nắng nóng rất khắc nghiệt. nhưng Ninh Thuận đã tận dụng biến những khó khăn trở thành lợi thế để tạo ra một số sản phẩm đặc thù như: Nho, tỏi, táo, măng tây xanh, nuôi dê, cừu, sản xuất tôm giống. Với thủy sản, Ninh Thuận là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất của cả nước. Bên cạnh đó, việc sản xuất muối của diêm dân những năm gần đây gặp nhiều thuận lợi nên thu nhập của người dân tăng cao qua từng năm. Bà con hiện nay đang áp dụng mô hình làm muối trải bạt rất hiệu quả, mô hình làm muối đã thu hút khoảng 2.500 lao động nông thôn.

Nguyễn Tấn Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, cây măng tây xanh chỉ phát triển vài năm trở lại đây nên đơn vị đang tập trung tiến hành chọn lọc lại một số giống măng tây có chất lượng cao để nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện địa phương. Ngoài ra, Sở đang phối hợp triển khai chương trình nông thôn miền núi, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng chủ lực.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng những thành quả của tỉnh Ninh Thuận đã đạt được; đánh giá rất cao về những cách làm có hiệu quả, sáng tạo của địa phương và bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã khác hoàn toàn so với trước đây”. Chủ tịch Thào Xuân Sùng yêu cầu trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện để Hội ND tỉnh hoạt động hiệu quả. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem