|
Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam |
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Đình San, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Ông Đinh Quang Minh cho biết: "Cách đây 3 năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang có tổ chức sáng tác ca khúc viết về du lịch cho tỉnh. Thời gian đó anh Đỗ Hồng Quân lên làm giám khảo. Không ngờ anh vừa đá bóng vừa thổi còi. Anh đưa tác phẩm của anh vào và tự chấm giải nhất với giá trị là 30 triệu đồng. Khi anh lĩnh xong, chúng tôi mới biết. Riêng một số anh em chúng tôi sau 2 tháng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch "bịt mồm" bằng việc mỗi anh được 400.000đ".
Sau đó, ông Đỗ Hồng Quân đã phân trần, thanh minh, khẳng định việc làm của mình không sai. Ông cho biết, các bài đều được giấu tên trước khi đưa cho Ban giám khảo chấm, chỉ đến khi có kết quả, mới lắp tên vào.
Ông Quân cũng nói thêm: Từ trước tới nay, không có luật nào cấm người trong BTC, giám khảo gửi bài tham dự. Ông còn nhấn mạnh một ý, mọi nhạc sĩ chuyên nghiệp phải có trách nhiệm tham gia mọi cuộc thi, vận động sáng tác. Tóm lại, ông khẳng định việc mình gửi bài, trúng giải cao nhất là hoàn toàn bình thường, không có gì phải rút kinh nghiệm.
Dẫu không có vấn đề vi phạm pháp luật gì nhưng sự việc trên quả là đáng tiếc và đáng buồn. Trước nay, từng đã diễn ra việc người có chân trong Ban tổ chức, Ban giám khảo tham dự các cuộc vận động, thi sáng tác và trúng giải cao, nhưng đây là lần đầu tiên một người đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm việc này.
Dư luận, đặc biệt là giới nhạc sĩ đã lên tiếng phàn nàn, phản ứng tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở nhiều cuộc thi trong quá khứ, nên đối với người lãnh đạo cao nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người ta lại càng phản ứng và không thể chấp nhận.
Thường thì ở cương vị này, ai cũng rất tự trọng. Nếu đã được mời giám khảo thì không gửi bài. Nếu ham thích sáng tác, muốn đóng góp tác phẩm (rất đáng trân trọng, hoan nghênh) thì từ chối làm giám khảo.
Cũng cần thấy rằng tâm lý các địa phương, các ngành khi tổ chức sáng tác đều muốn mời người lãnh đạo cao nhất của Hội Trung ương làm giám khảo (thường là chủ khảo) nên các vị càng cần phải “tế nhị” trong ứng xử. Nhưng ông Quân thì không.
Đã ngồi vào giám khảo, lại giữ cương vị cao nhất ở Trung ương Hội, người ta (những người chỉ đạo, tổ chức là thành viên giám khảo) sẽ dễ dàng “tế nhị” để ông Quân không “trượt”. Vậy nên bài của ông “trúng” giải cao nhất cũng là dễ hiểu.
Việc ông Quân khẳng định bài "Về Tuyên" của mình được “nhiều người yêu thích” thì tôi xin khẳng định, đó không phải là sự thật. Bằng chứng là trong 3 năm qua (từ khi bài của ông Quân được giải cao nhất, giới thiệu ra công chúng), tôi có nhiều dịp lên Tuyên Quang, được dự các buổi sinh hoạt văn nghệ của nhiều đối tượng, không hề thấy ai hát bài của ông.
Những bài viết về Tuyên Quang được người ta biết, thích hát nhiều là những bài khác. Tóm lại là ông Quân hoàn toàn xa lạ với công chúng yêu âm nhạc vô tư - họ chỉ để ý đến tác phẩm mà không bao giờ quan tâm đến tác giả.
Cũng xin nói rõ một điều là ông Đỗ Hồng Quân có thể là một nhạc sĩ đã được đào tạo chính quy ở nước ngoài, có thể thành thạo việc sáng tác khí nhạc, hoặc dàn dựng, chỉ huy, cũng như giảng dạy nhưng ông không phải là nhạc sĩ sáng tác ca khúc giỏi.
Ông chưa có bài nào được công chúng biết tới nhiều - kể cả một vài bài trúng giải trong những cuộc vận động, thi sáng tác bài hát. Và ngay cả trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc, người ta cũng nhắc đến nhiều tên tuổi khác chứ không phải là ông. Đã nhiều năm nay, ai cũng biết ông là người làm công tác quản lý chứ không còn chuyên sáng tác nữa.
Ông Đinh Quang Minh nói ông Quân lĩnh 30 triệu, ông Quân nói chỉ có 10 triệu. Bao nhiêu không thành vấn đề, một bài hát không có giá trị gì thì chỉ 3 chục nghìn cũng không xứng, trong khi có những tác phẩm không tiền nào có thể trả được vì vô giá do có giá trị quá lớn lao.
Đã có một sự thật, từ lâu lắm, người ta không còn thấy những bài hát trúng giải trong các cuộc thi, vận động sáng tác sau đó sống được với công chúng. Thường thì chỉ tổ chức báo cáo, phát trên đài phát thanh, truyền hình một lần rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng, đúng như trường hợp bài "Về Tuyên" của Đỗ Hồng Quân mà nhạc sĩ Đinh Quang Minh thấy rõ: “Tác phẩm đó hiện giờ không ai biết, nó đã chết ngay sau khi anh ta lĩnh tiền”.
Sự thật này không thể không khiến những cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc sáng tác phải suy nghĩ, nhất là khâu lựa chọn giám khảo. Vậy nên các đơn vị hãy cứ chủ động tổ chức sáng tác, và nên mời những nhạc sĩ có tên tuổi, có uy tín, có tâm tham gia tư vấn và làm giám khảo với tư cách cá nhân.
Đừng tiếp diễn tình trạng để người không có sức thuyết phục trong lĩnh vực sáng tác nào đó lại giám khảo cuộc thi ấy. Và nên có một quy định bất di bất dịch, những thành viên trong các Ban tổ chức, giám khảo không có tác phẩm tham dự. Việc này trước đây, nhiều cuộc đã làm được.
Dẫu sao, mọi việc cũng chỉ là tương đối. Nhưng ngay ở mức độ tương đối cũng phải đạt được một tiêu chí tối thượng: tâm phục, khẩu phục đối với người tham gia, với toàn xã hội. Và nên tặng thưởng theo hình thức: sau một thời gian nhất định - 5 năm chẳng hạn - tác phẩm nào sống được trong công chúng, sẽ tặng thưởng lớn. Hình thức này gọi là courronner thay vì trao thưởng lớn ngay sau mỗi cuộc vận động.
Theo Nông nghiệp VN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.