Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết: Hành động ngay đầu nhiệm kỳ để đạt các chỉ tiêu Đại hội

Khương Lực (thực hiện) Thứ ba, ngày 05/12/2023 10:52 AM (GMT+7)
Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 -2028), phóng viên Báo Dân Việt đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII nhiệm kỳ (2018 – 2023) cũng như kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ tới.
Bình luận 0
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết: 4 giải pháp phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 20218-2023 và kế hoạch hành động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Bắc Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Khương Lực

-Thưa bà, bà đánh giá gì về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam từ thực tế hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh?

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023, trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Kết quả, các cấp Hội và hội viên nông dân trong tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc 12/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX đề ra và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam giao.

Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở. Thông qua các hoạt động, tổ chức Hội ngày càng thể hiện rõ vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại nông nghiệp, nông thôn và xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. 

Các cấp Hội đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04, 05, 06 ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII); đa dạng hóa đối tượng và hình thức tập hợp nông dân; quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội.
Các phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao về chất lượng, có sức lan tỏa.

Kết quả bình xét trong nhiệm kỳ, tỉnh Bắc Ninh có 399.753 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trung bình đạt 85,9% số hộ đăng ký) và vượt 25,9% so với chỉ tiêu Đại hội IX đề ra (về tỷ lệ hộ đạt so với số hộ đăng ký). 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết: 4 giải pháp phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nuôi gà của hội viên Bùi Quang Thành, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: V.G

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân và tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đến nay đạt trên 114 tỷ đồng.

Công tác kết nạp hội viên mới được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, thông qua nhiều hình thức. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã kết nạp được 10.559 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay là trên 175.900 hội viên. 100% cơ sở Hội duy trì được nguồn quỹ hoạt động…

Từ những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, chúng tôi đã rút ra được những bài học kinh nghiệm lớn, đó là:

Thứ nhất, sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền với Hội Nông dân cùng cấp là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.

Thứ hai, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp có năng lực, phẩm chất, năng động, sáng tạo, gắn bó với nông dân, sâu sát với cơ sở là yếu tố quan trọng để phát triển tổ chức Hội.

Thứ ba, sự linh động, sáng tạo trong lãnh chỉ đạo của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp là nhân tố cơ bản, quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng các phong trào.

Thứ tư, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sao cho sát với điều kiện thực tế và phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị là cơ sở để thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước.

-Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo và hỗ trợ thành lập nhiều mô hình chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa các chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp?

- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia thành lập các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

Kết quả đến cuối tháng 11/2023, các cấp Hội Nông dân đã hướng dẫn thành lập 56 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.792 thành viên và 552 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 3.870 thành viên. Từ quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp cho thấy hiệu quả thiết thực, không chỉ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. 

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả tập trung vào 4 nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của công tác vận động nông dân theo hướng thiết thực, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác dân vận của tổ chức Hội Nông dân đáp ứng yêu cầu của điều kiện, tình hình mới.

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, hội viên cùng ngành nghề, lĩnh vực, nhu cầu nên việc xây dựng nội dung sinh hoạt ở chi hội, tổ hội thuận lợi, thiết thực, chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con, về phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất, kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay… Các nội dung sinh hoạt gắn với nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống và quá trình lao động sản xuất, kinh doanh của nông dân nên tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt và gắn bó với Hội ngày càng cao.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tạo tiền đề phát triển các hình thức kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã).

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khi tham gia vào chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các hộ nông dân sẽ liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời cũng tiếp cận được quá trình cung ứng vật tư, phân bón, giống với mức giá cạnh tranh so với đầu tư đơn lẻ, do đó đã giá thành, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho nông sản. Trong nền sản xuất hiện đại, để đảm bảo lợi ích lâu dài, bền vững cho nông dân, việc tập hợp nông dân vào các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi với vai trò nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp chính là hướng đi đúng đắn.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết: 4 giải pháp phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết thăm Thăm mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của hội viên Đỗ Thị Mơ ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: V.G

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Lệ Tuyết: 4 giải pháp phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Ảnh 5.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trồng cây trong Lễ phát động quốc gia Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, diễn ra tại Bắc Ninh ngày 16/9/2023. Ảnh: V.G

Thứ ba, xây dựng phát triển mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp góp phần hướng nông dân vào việc tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, bền vững.

Việc liên kết của hội viên nông dân trong các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung để đảm bảo khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn.

Các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp không chỉ xây dựng được các mô hình nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mà còn đổi mới từ tư duy, nhận thức đến hành động thực tiễn trong sản xuất của người nông dân nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư, tăng cường kết nối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất nông sản Việt Nam.

Nhiều chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đăng ký truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, liên kết với các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Nhiều chi hội thông qua hợp tác xã làm đầu mối ký kết với doanh nghiệp, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ lợi ích cho nông dân.

-Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch hành động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 như thế nào?

- Sau Đại hội, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp hội xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết ở từng cấp hội cơ sở. Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đưa ra 16 chỉ tiêu khá toàn diện trong các lĩnh vực công tác Hội và phong trào nông dân để thực hiện. 

Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cộng đồng, tự hào truyền thống Bắc Ninh - Kinh Bắc, khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân.

Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công tác hội và phong trào nông dân đối với các cấp Hội nói chung; kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án,.. nói riêng.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Thứ năm, vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới, các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ bẩy, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân.

Thứ tám, tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới; cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho hội viên, nông dân phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn bà!

Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với hoạt động của các cấp Hội và phong trào nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới; định kỳ tổ chức đối thoại với các cấp Hội, hội viên và nông dân; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về kinh phí, cơ sở vật chất và bổ sung ngân sách tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp hội viên và nông dân có thêm điều kiện sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem