Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ: Sẽ thành lập nhiều hơn nữa các Chi, tổ hội nghề nghiệp của nông dân

Hồng Cẩm (thực hiện) Thứ tư, ngày 06/12/2023 14:53 PM (GMT+7)
Trước thềm Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam (HNDVN), nhiệm kỳ 2023 – 2028, phóng viên Báo Dân Việt có bài phỏng vấn ông Nguyễn Vũ Phương – Chủ tịch HND TP.Cần Thơ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của HND thành phố.
Bình luận 0

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam?

- Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội Nông dân (HND) thành phố đã chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc HNDVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và chủ động tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2020-2025. HND thành phố cũng triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Nghị quyết Đại hội VII HNDVN tạo ra cơ chế, đề cao vai trò của HND trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vũ Phương – Chủ tịch HND TP.Cần Thơ. Ảnh: HC

Có thể khẳng định rằng việc đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc HNDVN lần thứ VII trên địa bàn TP.Cần Thơ thực hiện có hiệu quả và đem lại hiệu quả rất cao; các chương trình, kế hoạch này đã tạo ra cơ chế và đề cao vai trò của HND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh.

Kết quả cụ thể, nhiệm kỳ qua các cấp HND trên địa bàn thành phố đã phối hợp hướng dẫn thành lập được 316 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 50 HTX nông nghiệp và 266 THT sản xuất, nâng tổng số 153 HTX nông nghiệp (134 HTX trồng trọt, 6 HTX chăn nuôi, 13 HTX thủy sản); 620 tổ Hội và 90 chi HND nghề nghiệp.

Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng 92 sản phẩm OCOP gồm 58 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ nông dân và HTX. Trong đó, những sản phẩm OCOP của hội viên nông dân thành phố, như: Sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Điền), nấm Đông trùng hạ thảo của HTX Giọt Phù Sa (Phong Điền), Mắm cá tra (quận Thốt Nốt), Na Trường Thắng (huyện Thới Lai), nhãn ido (huyện Thới Lai)… Những sản phẩm OCOP đã vào các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử, từ đó chinh phục được người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Đến nay, hơn 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Cần Thơ giới thiệu trên 200 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, các cấp HND trên thành phố xây dựng được mô hình điểm về vận động nông dân ứng dụng, canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Thực hiện Chủ trương, Nghị quyết của BCH T.Ư HNDVN, trong nhiệm kỳ qua HND TP.Cần Thơ đã thành lập được bao nhiêu chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân?

- Thực hiện Nghị quyết số 04, năm 2019 của BGH T.Ư HNDVN về đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp, nhiệm kỳ qua, HND TP.Cần Thơ đã chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi, tổ HND nghề nghiệp.

Nghị quyết Đại hội VII HNDVN tạo ra cơ chế, đề cao vai trò của HND trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 2.

Thành viên tổ hội nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng (huyện Cờ Đỏ) thu hoạch mướp cho thu hoạch từ 150-300 triệu đồng/năm. Ảnh: HC

Đến nay, toàn thành phố có 90 chi HND nghề nghiệp, 620 tổ HND nghề nghiệp và 2 Câu lạc bộ nông dân hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, mây tre đan, kinh doanh dịch vụ,…

Các chi, tổ HND nghề nghiệp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, gắn với nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống và quá trình sản xuất, kinh doanh của thành viên. Qua đó, giúp các thành viên trong các chi, tổ HND nghề nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa các thành viên với nhau, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh.

Điển hình như, chi HND nghề nghiệp trồng mãng cầu xiêm (huyện Thới Lai), với 19 thành viên, có diện tích trồng là 38,5ha. Năm 2019 chi hội được hỗ trợ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố với số tiền 500 triệu đồng, cho 13 thành viên chi HND nghề vay vốn. Ngoài ra, có 17/19 thành viên được hỗ trợ cho vay tiêu dùng hạn chế tín dụng đen từ Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Cờ Đỏ.

Hằng năm, chi HND nghề nghiệp trồng mãng cầu xiêm cũng được các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ và hỗ trợ cây giống từ trạm khuyến nông huyện. Năm 2020, 19/19 thành viên chi hội nông dân nghề nghiệp đã được sử dụng nhãn hiệu tập thể Mãng Cầu Xiêm Thới Hưng, qua đó thu nhập của các thành viên nâng cao đáng kể.

Hay tổ hội nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng (huyện Cờ Đỏ) có 13 thành viên, với diện tích 5,7ha đa số là người dân tộc Khmer tham gia trong tổ hội nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng. Đầu năm 2023 quỹ hỗ trợ nông dân thành phố giải dự án "Trồng màu dưới chân ruộng", với số tiền 200 trăm triệu đồng cho 9/13 hộ vay để đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập góp phần thực hiện nâng chất tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Hiện thu hoạch từ 150-300 triệu đồng/năm/thành viên.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa tổ chức hội ở cơ sở, HND TP.Cần Thơ có những đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?

- Để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa tổ chức hội ở cơ sở, HND TP. Cần Thơ tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Nghị quyết Đại hội VII HNDVN tạo ra cơ chế, đề cao vai trò của HND trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 3.

HTX trồng nhãn ido (huyện Phong Điền) thu nhập từ 300 triệu -1 tỷ đồng/năm/thành viên. Ảnh: HC

Thứ nhất: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Điều lệ Hội và các quy định hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp…

Thứ hai: Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Hội. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, nhất là cán bộ chi, tổ Hội cần tổ chức duy trì các buổi sinh hoạt Hội, gắn phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Hội cấp trên. Xây dựng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội. Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, coi trọng chất lượng là nòng cốt,

Thứ ba: Tăng cường các hoạt động kinh tế-xã hội; mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, như: vay vốn, chuyển giao KHKT, tổ chức dạy nghề cho nông dân, tạo thêm việc làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, chế biến nông sản,...

Thứ tư: Tăng cường nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Hội; giữ vững kỷ luật, đưa sinh hoạt Hội vào nề nếp, đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt theo hướng sát thực nhiệm vụ, nâng cao chất lượng của tổ chức hội ở cơ sở.

Thứ năm: Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW tạo sức lan tỏa; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân.

Thứ sáu: Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và giữ gìn ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Thứ bảy: Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào hoạt động của tổ chức Hội, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa rộng trong phong trào hoạt động HND tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem