Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam "đội mưa" vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái

Trần Quang Thứ bảy, ngày 11/07/2020 19:46 PM (GMT+7)
Ngày 11/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đã đi thăm mô hình sản xuất cây dược liệu, cụ thể là trồng cây khôi nhung bán lá đắt tiền điển hình ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái).
Bình luận 0

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đội mưa vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái

Hộ ông Hoàng Kim Oánh và bà Nguyễn Thị Mây ở xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) là một trong số 30 thành viên tham gia Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu gắn với phát triển du lịch truyền thống đầu tiên tại tỉnh Yên Bái.

Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch là một trong những mô hình của Hội Nông dân tỉnh nhằm triển khai Dự án xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên giai đoạn 2020 - 2023 với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ trên 3,2 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 830 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Đông - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trấn Yên cho biết: "Việc thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp này nhằm phát huy tiềm lực sẵn có, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên theo mô hình hoạt động ba loại hình chi Hội Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp trong một chi Hội Nông dân".

Qua đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả mô hình điểm sẽ nhân rộng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, khẳng định vị thế của tổ chức Hội tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với đoàn công tác về việc trồng cây dược liệu của gia đình mình, ông Hoàng Kim Oánh cho hay: "Khi mới bắt tay vào trồng cây lá khôi, gia đình không khỏi lo lắng, vì đây là loại cây dược liệu hoàn toàn mới, chưa từng trồng ở địa phương nên chưa ai có kiến thức, kinh nghiệm gì". 

Thêm vào đó, số tiền bỏ ra để mua cây giống và thuê nhân công chăm sóc cây cũng không ít nên nếu cây không sinh trưởng, phát triển tốt, không có đầu ra ổn định thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam "đội mưa" vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái - Ảnh 2.

Đồng chí Thào Xuân Sùng vượt núi thăm khu trồng cây dược liệu của bà con xã Việt Hồng.

"Tuy nhiên, mọi suy nghĩ, trăn trở đều đã được giải tỏa khi tham gia vào chi hội Nông dân nghề nghiệp. Ngoài việc được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống ban đầu, chúng tôi còn được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng cây lá khôi, được huyện và xã quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm và tới đây sẽ được huyện hỗ trợ đầu tư cho máy sấy lá khôi" - ông Oánh chia sẻ.

Theo ông Oánh, lá khôi là loại cây ít bị sâu bệnh, tuy nhiên cần phải thường xuyên vun xới quanh gốc, phá bỏ cây cỏ xâm lấn, tưới nước tạo độ ẩm cho cây và bón phân chuồng hoai mục hoặc phân NPK để tăng độ tơi xốp và chất dinh dưỡng mới giúp cây phát triển tốt.

Dự tính khoảng cuối năm nay, toàn bộ diện tích cây dược liệu của gia đình ông Oánh đang bắt đầu cho thu hoạch. Lá khôi là loại dược liệu quý dùng trong điều trị bệnh dạ dày và đau bụng, có giá trị kinh tế cao nên theo ước tính, trung bình mỗi năm, cây lá khôi cho thu hoạch từ 3 - 5 lứa, mỗi lượt thu hoạch khoảng 1 kg lá tươi/cây và lượng thu tăng theo các năm.

Với giá bán dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg lá khô, đến khi cây trưởng thành, trung bình mỗi năm, gia đình ông Oánh và các thanh viên tham gia chị hội sẽ có thu nhập từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/ha/năm và doanh thu sẽ tăng cao hơn qua các năm.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam "đội mưa" vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái - Ảnh 3.

Đồng chí Thào Xuân Sùng vượt núi "đội mưa" thăm khu trồng cây dược liệu của bà con xã Việt Hồng.

Nắm rõ được đặc tính của cây lá khôi nhung là ưa ẩm và bóng, có thể trồng xen với một số loài cây khác dưới tán rừng nên để tận dụng đất, hầu hết các hộ gia đình tham gia Chị Hội Nông dân nghề nghiệp đều trồng xen cây lá khôi với keo, quế, bồ đề và kết hợp với nuôi vịt cổ xanh ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà. Sắp tới, bà con đang dần tiếp tới kết hợp phát triển du lịch sinh thái ngay tại quê hương mình.

Vượt núi đến thăm mô hình trồng cây dược liệu của gia đình ông Oánh vào ngày mưa, đồng chí Thào Xuân Sùng rất vui mừng khi thấy bà con ở đây đã biết cách khai thác, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao.

Người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: "Rừng sẽ "nhả vàng" nếu chúng ta có phương pháp khai thác, sản xuất phù hợp và sáng tạo. Để làm được điều đó, đồng chí Thào Xuân Sùng căn dặn ông Oánh và bà con ở Việt Hồng tiếp tục cố gắng, nỗ lực học tập, tìm hiểu các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất mới áp dụng vào việc phát triển diện tích cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp với việc nuôi vịt đặc sản và làm du lịch sinh thái để ngày càng có thu nhập cao và bền vững hơn.

"Muốn đi xa chúng ta phải liên kết, đồng lòng cùng nhau sản xuất sản phẩm có giá trị cao hướng đến thị trường xuất khẩu", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam "đội mưa" vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái - Ảnh 4.

Người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Yên Bái và nông dân xã Việt Hồng về hiệu quả của cây dược liệu trồng dưới tán rừng.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam "đội mưa" vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái - Ảnh 5.

Đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu tại buổi lễ thành lập chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống, xã Việt Hồng ngày 11/7.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam "đội mưa" vượt núi thăm "rừng vàng" ở Yên Bái - Ảnh 6.

Người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng hoa chúc mừng chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống, xã Việt Hồng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem