Ngày 18/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 9 của HĐND TP.
Trả lời cử tri về việc xử lý sai phạm liên quan đến tòa nhà 8B Lê Trực, Phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện đúng, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, TP đã giao cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra và đã xử lý xong cán bộ các cấp liên quan vi phạm. TP đã giao quận Ba Đình cưỡng chế, hiện đã cưỡng chế xong tầng 19.
Liên quan đến việc xử lý phần “phình ra” của tòa nhà 8B Lê Trực như cử tri phản ánh, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, công trình này không chỉ vi phạm bên trên, mà vi phạm ngay từ tầng hầm, thậm chí tòa nhà này còn lấn ra cả vỉa hè.
Sai phạm tại công trình 8B Lê Trực nhiều năm không được giải quyết dứt điểm.
Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng, nếu phá dỡ tầng 17, 18 (phương án thay thế cho việc phá dỡ phần giật cấp) của tòa nhà không đảm bảo an toàn.
TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo quận Ba Đình trưng cầu giám định với một số đơn vị khác xem có thực sự việc phá dỡ tầng 17-18 tòa nhà có được hay không.
“Tới đây, TP kiên quyết cưỡng chế phần sai phạm của tòa nhà này để thực hiện nghiêm theo kỷ cương”, ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Có những cuộc họp trên UBND TP, tôi nói là thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước kể cả phải đập cả toà nhà này cũng phải đập, bởi vì xây dựng sai từ móng, từ tầng 1”.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin, trên địa bàn TP, chủ đầu tư này xây dựng 4 công trình là 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 đường Trường Chinh và 8B Lê Trực, thì công trình nào cũng có sai phạm.
Vừa qua, TP Hà Nội đã quyết định chuyển 3 hồ sơ vi phạm của chủ đầu tư này là số 8B Lê Trực, 102 Trường Chinh, 302 Cầu Giấy sang Công an TP để điều tra xử lý theo pháp luật hình sự.
Vừa qua, sai phạm 8B Lê Trực làm “nóng” Quốc hội.
Sáng ngày 5/6, kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã thắng thắn chỉ rõ, về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8 Lê Trực (phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội. Nhiều lần Thủ tướng CP đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm của công trình này. UBND TP. Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong.
Vì vậy đề nghị Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình quá trình xử lý cũng như trong quá trình sử dụng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều ngày 4/6, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) về việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng khẳng định đây là trách nhiệm của TP. Hà Nội. Bộ trưởng thông tin, TP. Hà Nội đang thực hiện công tác cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Hiện tại, việc phá dỡ các tầng vi phạm theo chiều ngang đã được thực hiện. Tuy nhiên, việc phá dỡ phần vi phạm theo chiều dọc còn gặp khó khăn.
“Cắt một số diện tích của các tầng theo chiều dọc có liên quan đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẽ sử dụng các đơn vị của Bộ hỗ trợ nếu TP. Hà Nội yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý hợp lý nhất", ông Hà trả lời.
Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đã giơ biển tranh luận.
“Tôi thấy sự lúng túng của Bộ rất rõ. Khi nói về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực thì Bộ trưởng có nói là nếu như Hà Nội yêu cầu thì Bộ mới phối hợp. Như thế là không đúng với vị trí của một Bộ quản lý Nhà nước”, đại biểu Hồng tranh luận.
“Bộ trưởng chia sẻ sai phạm đã có, vậy cử tri muốn biết bao giờ thì xử lý được những vấn đề đó? Tại sao trách nhiệm lại bị đưa về chính quyền địa phương? Trong thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cùng lãnh đạo địa phương phản ánh việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề ở địa phương đang rất yếu. Có khó mới hỏi đến các Bộ nhưng các Bộ lại trích dẫn những văn bản quy phạm pháp luật và còn gây khó hơn cho địa phương cho nên câu trả lời của Bộ trưởng thì có lẽ phải đến tầm Chính phủ”, đại biểu Hồng bức xúc.
Đại biểu Hồng cũng đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cam kết xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.
Về tranh luận này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định nhà nước cùng với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực. "Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ", ông Hà nói.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt thời gian này, công trình 8B Lê Trực đang được rào tôn tạm bợ xung quanh và có 2 nhóm bảo vệ túc trực thường xuyên. Ngoài ra, phía trong công trình này không có hoạt động thi công, sinh sống nào khác.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP. Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể, công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Tiếp đó, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.
Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Từ tháng 10/2016, các đơn vị liên quan đã hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) tòa nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị liên quan của Hà Nội vẫn đang nghiên cứu phương án xử lý giai đoạn 2 của tòa nhà 8B Lê Trực.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.