“Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong cuộc chiến chống tham nhũng”?

Thúy Đăng Thứ ba, ngày 29/03/2016 10:58 AM (GMT+7)
“Cử tri và cả bản thân tôi cũng rất băn khoăn vì không biết Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng?”, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn nói trong phiên thảo luận sáng nay (29.3).
Bình luận 0

img

ĐB Nguyễn Anh Sơn cho rằng, báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ quyền hạn của Chủ tịch nước như thống lĩnh lực lượng vũ trang, quốc phòng an ninh, chức năng Chủ tịch nước trong việc ban bố luật và pháp lệnh.

“Chủ tịch nước chưa có quyền xem xét lại luật và pháp lệnh xem có cái gì chưa đúng. Vấn đề quốc kế dân sinh cũng chưa thể hiện rõ”, ĐB Nguyễn Anh Sơn nhận xét.

Nói về băn khoăn của cử tri, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết: “Cử tri cũng nói với tôi, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, khi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện mong muốn, quyết tâm chống tham nhũng, căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ rất rõ ràng”.

Tuy nhiên ĐB Nguyễn Anh Sơn nói cử tri và cả bản thân ông rất băn khoăn vì “không biết là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng?”.

Không chỉ vấn đề chống tham nhũng, đại biểu Sơn cũng cho rằng: “Nhìn tổng thể trong nhiều mặt hoạt động chưa thể hiện rõ quyền lực của Chủ tịch nước trong đối nội và đối ngoại, đặc biệt là đối nội. Có những việc Chủ tịch nước dù muốn làm nhưng đã không thể hiện được hết mong muốn của mình”.

Ông Sơn kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới luật về chế định của chủ tịch nước. Đây là một chế định quan trọng, làm rõ tư cách của chủ tịch nước đứng đầu đối nội đối ngoại.

“Phải làm rõ, nguyên thủ quốc gia thì được làm những gì? Thứ hai là làm rõ quyền hạn của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực. Thống lĩnh lực lượng vũ trang thì như thế nào?”, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đặt câu hỏi.

Ông cho rằng phải thể chế rõ ràng quy định về bộ máy giúp việc cho Chủ tịch nước, vì muốn Chủ tịch nước làm việc tốt thì phải có có bộ máy giúp việc hoàn chỉnh cụ thể.

Ông Sơn đề nghị: “Nếu sợ bộ máy phình to, tăng biên chế thì phải cho Chủ tịch nước có quyền xây dựng đội ngũ tư vấn”.

Trước đó, báo cáo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình Quốc hội ngày 22.3 khẳng định, Chủ tịch nước đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như các các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công. 

Là người phụ trách cao nhất công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu oan sai, đền bù bồi thường và xử lý trách nhiệm, tăng cường chất lượng, số lượng các chức danh tư pháp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem