Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Sâm Ngọc Linh không chỉ là “quốc bảo” mà còn là quốc kế dân sinh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Sâm Ngọc Linh không chỉ là “quốc bảo” mà còn là quốc kế dân sinh
Trương Hồng
Thứ bảy, ngày 06/08/2022 17:01 PM (GMT+7)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vài năm trước, khi đang là Thủ tướng tham gia một hội thảo sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là “quốc bảo”, nhưng không chỉ là “quốc bảo” mà còn là quốc kế dân sinh.
Chiều 6/8, tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia". Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đông đảo các bộ, ngành Trung ương và đại diện 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Sâm Ngọc Linh trở thành cây quốc kế dân sinh
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vài năm trước, khi đang là Thủ tướng tham gia một hội thảo sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là "quốc bảo", nhưng không chỉ là "quốc bảo" mà còn là quốc kế dân sinh.
"Ý nói rằng, sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia. Từ đó đến nay, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã làm được nhiều việc để giữ gìn, phát triển sâm Ngọc Linh.
Hôm nay, tôi đánh giá cao 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã tổ chức hội thảo hết sức quan trọng nâng tầm quan trọng sâm Ngọc Linh thành thành thương hiệu quốc gia.
Chúng ta không chỉ nói về cơ chế chính sách tạo động lực phát triển sâm Ngọc Linh mà còn nhắc nhở tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây quốc kế dân sinh này, đem lại hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng, cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và cả Trung Quốc, các nước trên cũng có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm…", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Video Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo phát triển sâm Ngọc Linh
Tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cần sự nỗ lực của lãnh đạo các tỉnh, của các bộ ngành; thực hiện đồng thời vừa bảo tồn vừa phát triẻn sâm Ngọc Linh; cần các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm; bảo vệ nguồn gen thuần chủng; bảo hộ hiệu quả thương hiệu sâm Ngọc Linh; ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát triển vùng sâm Ngọc Linh; kêu gọi các doanh nghiệp trong nước phát triẻn sâm Ngọc Linh khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia…
Đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Cây sâm Ngọc Linh là một loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh được biết đến là một loài cây dược liệu quý vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu khoa học, đã phân lập được 52 hợp chất saponin và nhiều hợp chất quan trọng khác.
Ngày 5/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Thủ tướng cũng khẳng định, sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng, do đó Thủ tướng nhấn mạnh, cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho đất nước.
Trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự tham gia hợp tác tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân nên tình hình bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.
Tại Quảng Nam, với 20 doanh nghiệp, hàng trăm nhóm hộ, và hàng ngàn người dân đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian qua, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, có nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỷ, điều kiện sinh hoạt, đi lại, nhà cửa khang trang,... đời sống văn hóa cũng được nâng cao, từ khi phát triển trồng sâm đến nay các hoạt động như lễ hội sâm Ngọc Linh hằng năm, phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng đã đem lại thu nhập cao cho nhân dân, góp phần vào giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh
"Để "sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia" còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, định hướng và tập trung đầu tư nhiều hơn nữa. Vậy những vấn đề là gì, những giải pháp nào cho sâm Ngọc Linh thương hiệu quốc gia ngày một lớn mạnh. Đây cũng là chủ đề của hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia" hôm nay.
Hội thảo lần này cũng là dịp tạo ra diễn đàn tham vấn đa bên nhằm tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho phát triển nâng tầm thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh trên mọi phương diện, xứng tầm là quốc bảo Việt Nam ai cũng được biết đến và tin yêu...", ông Bửu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, hội thảo lần này còn có ý nghĩa góp phần khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, người dân tiếp tục đầu tư cho bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời cũng sẽ là nguồn thông tin hỗ trợ cho Quốc hội, Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách vĩ mô; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Kon Tum có những quyết sách đúng đắn; các doanh nghiệp, người dân đầu tư trồng sâm có những thông tin hữu ích, giúp lựa chọn chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là 15.576ha. Diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện nay hơn 1.000ha. Hiện có 2 cơ sở bảo tồn, nuôi giữ nguồn gene giống gốc (15 hecta), hằng năm sản xuất được hàng trăm nghìn cây giống để phục vụ cho sản xuất.
"Đối với cây sâm Ngọc Linh, hiện một số tồn tại, hạn chế như công tác quản lý sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn bởi tình trạng buôn bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc và các sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh đang tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn gene gốc, thiệt hại kinh tế đối với người tiêu dùng, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến thương hiệu.
Lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định; công nghệ ứng dụng vào công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc sâm Ngọc Linh chưa phát triển, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Trong thời gian tới, phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng.
Đặc biệt, xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp hiện đại, nhân rộng diện tích sản xuất, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến, phát triển thị trường đầu ra sản phẩm, xứng tầm với thương hiệu sản phẩm quốc gia; hướng tới Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của các nước nổi tiếng trên thế giới…", ông Út nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.