Chủ tịch Phạm Anh Tuấn: "Bảo vệ hệ thống dữ liệu và thông tin quan trọng của Bình Định"
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn: Bình Định sẽ là điểm sáng trên bản đồ công nghệ Việt Nam trong tương lai
Dũ Tuấn
Chủ nhật, ngày 18/08/2024 15:23 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, an ninh mạng là yếu tố không thể thiếu, trong chiến lược phát triển công nghệ. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế bảo mật thông tin hiệu quả, triển khai các giải pháp an ninh mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhằm bảo vệ hệ thống dữ liệu và thông tin quan trọng của tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn Bình Định thành "điểm sáng" trong bản đồ công nghệ của Việt Nam
Ngày 18/8, UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra mục tiêu phát triển Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đây không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là khát vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định.
Việc phát triển AI, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng là những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
AI đang mở ra những cơ hội đột phá trong mọi lĩnh vực. Bình Định đã bắt đầu nghiên cứu để áp dụng AI trong các lĩnh vực như quản lý đô thị thông minh, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, trong y tế, nông nghiệp công nghệ cao.
Những ứng dụng này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn mang lại những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.
Tuy nhiên, để AI thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển, cần phải xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ.
Bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, công nghệ hàng đầu.
Bên cạnh đó, phát triển công nghệ phải kể đến an ninh mạng. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, việc bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng lực an ninh mạng. Thế nhưng, để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng, cần hợp tác chặt chẽ hơn với các chuyên gia và tổ chức quốc tế để cập nhật các giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất.
Điều này không chỉ đảm bảo an toàn thông tin mà còn giúp Bình Định tạo ra một môi trường số an toàn, đáng tin cậy, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Đối với Bình Định, phát triển công nghiệp bán dẫn không chỉ là cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn giúp nâng cao vị thế công nghệ của tỉnh.
Việc này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược dài hạn, sự đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng công nghệ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Tôi mong rằng, qua thảo luận sẽ có được những giải pháp và chiến lược cụ thể để thúc đẩy AI trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, công nghiệp bán dẫn từng bước được hình thành và an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng vững chắc ở Bình Định. Giúp tỉnh không chỉ bắt kịp mà còn vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là một điểm sáng trong bản đồ công nghệ của Việt Nam", ông Hồ Quốc Dũng hy vọng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, Bình Định chọn ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng, không chỉ vì đây là những lĩnh vực công nghệ then chốt trên thế giới.
Mà còn bởi vì những công nghệ này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Định, với sự đồng hành của Tập đoàn FPT.
Dẫn lại thông điệp của Bộ Thông tin và Truyền thông: "Nếu chúng ta cứ đi sau về cái mới thì sẽ mãi mãi, là người đi sau trong chuyển đổi số. Chỉ có đi đầu về cái mới, thì mới có cơ hội bứt phá vươn lên thành nước phát triển", ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, những việc Bình Định đang làm, không chỉ phản ánh sự chuẩn bị nghiêm túc, mà còn đặt nền móng cho những bước tiến xa hơn, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu.
"Bảo vệ các hệ thống dữ liệu và thông tin quan trọng của Bình Định"
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20 đã xác định rõ mục tiêu đưa Bình Định trở thành một trong những tỉnh phát triển nhóm đầu của khu vực miền Trung dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã xác định công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, là một trong những trụ cột phát triển kinh tế then chốt.
Những lựa chọn này không chỉ phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, mà còn đáp ứng nhu cầu cụ thể của tỉnh Bình Định trong việc xây dựng nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh và bền vững được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về phát triển khoa học công nghệ.
Đây không chỉ là những bước đi chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030 mà còn là khát vọng của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là công nghệ và tri thức, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Các cơ quan, đơn vị liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được giao, cần tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ. Trong đó trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng phải được đặt ở vị trí trung tâm.
Cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư, hoạt động và phát triển tại Bình Định. Hệ sinh thái này sẽ là nền tảng vững chắc để Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung.
Ngoài ra, thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ quản lý đô thị thông minh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao đến y tế và giáo dục,… việc áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những đột phá quan trọng trong nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần được coi là một nhiệm vụ chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa của tỉnh. Để đạt được điều này, Bình Định cần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành bán dẫn.
Do vậy, cần chú trọng đến việc đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực này, đảm bảo sẵn sàng cho các dự án đầu tư lớn trong tương lai.
Vẫn theo ông Phạm Anh Tuấn, an ninh mạng là yếu tố không thể thiếu trong mọi chiến lược phát triển công nghệ.
Vì vậy, cần xây dựng một cơ chế bảo mật thông tin hiệu quả, tăng cường triển khai các giải pháp về an ninh mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhằm bảo vệ các hệ thống dữ liệu và thông tin quan trọng của tỉnh, đồng thời tạo ra môi trường số an toàn, đáng tin cậy.
"Tôi kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực an ninh mạng, đồng thời cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Bình Định cần không ngừng học hỏi, đổi mới và sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, trong đó tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Phạm Anh Tuấn tin rằng, tới đây Bình Định sẽ trở thành một điểm sáng trong bản đồ công nghệ của Việt Nam.
Ngay sau Hội nghị, tỉnh Bình Định cùng với Tập đoàn FPT, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, sẽ thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành, các tổ công tác triển khai từng đầu việc cụ thể.
Xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 – 2030 trình cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, định kỳ hàng quý, tổ chức họp để rà soát, đánh giá các nhiệm vụ triển khai, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, để công việc hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, Bình Định là tỉnh có tiềm năng để phát triển công nghệ số nhờ vào vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp, và chế biến. Để phát triển thực sự bứt phá, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.
Ông Bùi Hoàng Phương đánh giá, sự hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Tập đoàn FPT, là hoạt động đúng hướng, phù hợp theo chủ trương của Đảng, nhà nước, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vào lĩnh vực trọng điểm nhất. Đây là bước đi chiến lược quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển của Bình Định và FPT trong tương lai.
"Bộ TT&TT cam kết đồng hành và hỗ trợ tỉnh Bình Định, doanh nghiệp công nghệ phát triển các lĩnh vực ưu tiên về bán dẫn, AI và an ninh mạng. Bộ kỳ vọng cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Bình Định cùng với hỗ trợ của Tập đoàn FPT, công nghiệp công nghệ số của Bình Định sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, sớm trở thành một trong các trung tâm công nghệ số của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và cả nước", Thứ trưởng Phương cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.