Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh: "Chúng tôi đã là gái lỡ thì rồi, ai mà đến”

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 18/07/2019 14:23 PM (GMT+7)
Nói về những khó khăn vướng mắc của ngành dầu khí Việt Nam, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chia sẻ: "Trong khi pháp luật, thể chế với chúng tôi chẳng khác nào đặt điều kiện gả chồng cho con gái lúc 18, nhưng chúng tôi giờ đã là gái lỡ thì rồi, ai mà đến”,
Bình luận 0

“Dầu khí giờ đã là con gái lỡ thì”

Sáng 18/7, Ban Kinh tế Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia-Vai trò của ngành Dầu khí”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, cho biết năng lượng là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

img

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Anh Nguyễn/TTXVN)

Đối với Việt Nam, ngành dầu khí đang đóng góp quan trọng về dầu, khí, điện vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Ngành dầu khí đang làm chủ công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, thách thức lớn nhất hiện nay là PVN vẫn chưa được phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ PVN nên hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm.

Đặc biệt, cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo dẫn đến việc gia tăng trữ lượng dầu gặp rất nhiều khó khăn và không đáng kể. Đây chính là mối lo lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết: “Xưa hút 1 tấn dầu thì gia tăng 1,5 đến 2 lần. Còn chúng tôi giờ hút 1 nhưng chỉ bù đắp 0,3-0,4. Nên nói thẳng là chúng ta đang ăn vào công sức của ngày trước”.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, thời kỳ trước, trung bình một năm ngành này thu thút khoảng 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để thăm dò, khai thác, song hiện tại, con số này chỉ vài trăm triệu USD. Trong khi đó, với ngành dầu khí, không thăm dò sẽ không thể gia tăng trữ lượng dầu.

Ngoài ra, dù Nghị quyết 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 rất rõ ràng nhưng sau gần 4 năm thực hiện thì trên thực tế chưa có các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hoá các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

“Trong khi pháp luật, thể chế với chúng tôi chẳng khác nào đặt điều kiện gả chồng cho con gái lúc 18, thế nhưng chúng tôi giờ đã là con gái lỡ thì rồi, ai mà người ta đến”, ông Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Sửa Luật Dầu khí để tạo điều kiện phát triển cho PVN

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, an ninh năng lượng tác động rất lớn đến an ninh lương thực, an ninh tài chính.

“An ninh năng lượng không bảo đảm, tới khi mưa bão, hạn hán sẽ không có điện để bơm nước, làm nông nghiệp. Rồi dẫn tới chúng ta phải mua điện của nước ngoài. Hiện nay, chúng ta mua điện từ nước ngoài rất nhiều, điều này sẽ tác động tới an ninh tài chính.

Vấn đề mấu chốt hiện nay phải sửa Luật Dầu khí sao cho phù hợp với bối cảnh mới, nhằm tạo động lực cho một ngành rất quan trọng và rất nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống”, ông Trương Đình Tuyển đề xuất.

img

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại 

Theo ông Tuyển, việc sửa Luật Dầu khí không chỉ tạo điều kiện cho PVN, mà còn động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hoạt động tìm kiếm, khai thác, thăm dò tại Việt Nam.

“Trên cơ sở sửa đổi Luật Dầu khí, ngành dầu khí cũng phải tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động để PVN thực sự trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam”, ông Trương Đình Tuyển đưa ra lời khuyên.

Còn TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là phải có cơ chế tài chính rõ ràng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí bởi đây là hoạt động nhiều rủi ro và rất tốn kém.

Những năm gần đây, PVN gần như ký được rất ít hợp đồng dầu khí mới khiến hoạt động khoan thăm dò do gần như không tiến triển vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ bằng 25% so với giai đoạn trước đây.

Trong bối cảnh nguồn lực của PVN còn hạn chế, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đầy rủi ro này cũng bị vướng rất lớn bởi các chính sách trước đây đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

TS. Nguyễn Hồng Minh cho rằng, với những dự báo về tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam khoảng 5,1%/năm trong giai đoạn 2016-2025 và 4,2%/năm giai đoạn 2026-2035, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem