Chủ tịch Quốc hội: Một số địa phương chưa khai thác hết di sản văn hóa

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 17/04/2024 11:02 AM (GMT+7)
Góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi di sản văn hóa là nguồn lực để bảo tồn, phát huy.
Bình luận 0

Sáng 17/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội: Một số địa phương chưa khai thác hết di sản văn hóa- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Trình bày tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật có 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với luật hiện hành.

Theo ông Hùng, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của luật hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách.

Dự thảo quy định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách… để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ.

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước.

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, một số ý kiến cho rằng, tại Nghị quyết số 792 năm 2019, UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

"Thực tế, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh; Quỹ Phòng, chống tác hại rượu bia", ông Vinh đề nghị tiếp tục cân nhắc việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội: Một số địa phương chưa khai thác hết di sản văn hóa- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.

Khoản 5, Điều 88, dự thảo luật quy định "việc sử dụng, khai thác di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân tạo ra nguồn thu cho Nhà nước phải theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan; được giữ lại một phần để sử dụng trực tiếp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa".

"Chúng tôi rất chia sẻ nhu cầu cần phải có nguồn kinh phí để đảm bảo việc quản lý, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Nhưng, điều này không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước", ông Tùng nói.

Ông Tùng cho hay, Luật Ngân sách Nhà nước quy định mọi khoản thu từ thuế, phí và các khoản khác đều phải nộp vào ngân sách. Việc này không gắn với chi. Dự toán chi để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

"Chúng ta không được giữ một phần khoản thu để chi", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi di sản văn hóa là nguồn lực để bảo tồn, phát huy. 

Ông Huệ nêu quan điểm cần nghiên cứu bổ sung chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư phát triển văn hóa và kinh tế về văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần rà soát lại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cùng một số cơ chế chính sách thí điểm cho địa phương, nhằm thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Ông Huệ dẫn chứng, ở một số địa phương, di sản văn hóa chưa khai thác hết. Ví dụ ở Huế, một số di tích nếu có nguồn lực tư nhân đầu tư theo định hướng của Nhà nước sẽ vừa phát huy, vừa bảo tồn được di sản.

Theo dự kiến, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem