Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6-6,5% là nhiệm vụ rất khó khăn

Bạch Dương Thứ tư, ngày 08/12/2021 16:49 PM (GMT+7)
Chiều 8/12, kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM tiếp tục với phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Đây là lần đầu tiên ông Mãi trả lời chất vấn với cương vị người đứng đầu UBND TP.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6-6,5% là nhiệm vụ rất khó khăn - Ảnh 1.

Các đại biểu dự phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM chiều 8/12. Ảnh: HMC

Trước khi vào phần chất vấn, ông Phan Văn Mãi bày tỏ lòng tri ân đến HĐND, đồng bào, cử tri, nhân dân, doanh nghiệp đã hỗ trợ TP suốt thời gian qua. Ông Mãi nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 chưa kết thúc, vẫn còn diễn biến phức tạp nên không đươc lơ là, chủ quan, đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, vừa chống dịch, vừa phục hồi nền kinh tế.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề cơ chế tài chính và chính sách của UBND TP về trạm y tế lưu động như thế nào nhằm tạo điều kiện để các quận chủ động? Đồng thời đề cập đến việc cải cách hành chính, liên thông giữa các sở, ngành, địa phương.

Các đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú, Nguyễn Thị Như Ý chất vấn chính sách hỗ trợ của TP cho doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này.  Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội cho người lao động, người dân sống trên kênh rạch?

Về vấn đề y tế cơ sở, ông Phan Văn Mãi cho biết trọng tâm là quan tâm, củng cố y tế cơ sở. UBND TP.HCM đã làm việc với Bộ trưởng Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm, xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Với chủ trương của Bộ trưởng Bộ Y tế, TP sẽ sớm xây dựng và triển khai đề án. Theo đó, ngoài trạm y tế cơ hữu, TP sẽ huy động các đơn vị tư nhân, lực lượng nhân viên y tế nghỉ hưu… để đảm bảo vận hành ngay các trạm y tế lưu động.

Theo ông Mãi, với đề án này, ở các xã, phường có dân số đông có thể có nhiều trạm y tế lưu động để đáp ứng công tác chống dịch Covid-19.

Năm 2021, TP thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Hầu như mọi nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch, lo cho sức khỏe, sinh mạng của người dân. Hầu hết hoạt động kinh tế phải tạm dừng. Do đó, việc thực hiện các chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt được.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ tăng trưởng kinh tế -6,78% (âm) là chưa từng xảy ra trong 35 năm qua tại TP. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách đạt 101,3% so với dự toán, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ổn định...

Chủ tịch TP.HCM nhìn nhận việc đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6-6,5% trong một năm là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế và doanh nghiệp hiện hữu cùng truyền thống năng động, sáng tạo, ông Mãi cho rằng nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả thì kinh tế hoàn toàn có thể tăng trưởng theo hình chữ V.

Về cải cách hành chính, ông Mãi cho biết vừa qua TP có kế hoạch cải cách hành chính, đề ra cụ thể nhiệm vụ, quy chế, trách nhiệm nhưng thực hiện chưa đạt yêu cầu. Do đó, vấn đề đặt ra là tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan. Phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt để thời gian tới thực hiện tốt hơn.

Mặt khác, năm 2021, TP.HCM hình thành các tổ công tác để giải quyết các việc khác nhau và sẽ phát huy mô hình này trong thời gian tới. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi dữ liệu, hồ sơ để không bỏ lọt vụ việc, nhắc nhở các cơ quan giải quyết hồ sơ.


Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6-6,5% là nhiệm vụ rất khó khăn - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM chiều 8/12. Ảnh: HMC

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết hiện nay TP đã vận dụng các chính sách của trung ương và TP để hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ giảm các chi phí sản xuất kinh doanh mở rộng, gia nhập thị trường cũng như tái cấu trúc lại thị trường…

Trong thời gian dịch, TP tiếp xúc thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp để nghe ý kiến về biện pháp chống dịch và phản ánh của doanh nghiệp nhằm tổng hợp để phản ánh về trung ương, cũng như có biện biện pháp kịp thời tháo gỡ.

Từ việc làm này đã giúp TP.HCM sớm cập nhật được góp ý để đề xuất xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Sắp tới, TP tiếp tục giữ sự tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp, kịp thời lắng nghe ý kiến, hiểu khó khăn vướng mắc để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Mãi thừa nhận thời gian qua TP.HCM chưa làm tròn vấn đề an sinh xã hội. Trong những ngày giãn cách, người dân gặp khó khăn, TP là địa phương làm sớm, có chính sách để hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên số lượng người gặp khó khăn ngày càng nhiều, đến khi dịch bệnh cao điểm, người dân càng khó khăn thì TP cũng có những bị động lúng túng.

Việc xác định đối tượng, hình thức hỗ trợ chưa chặt chẽ, việc này gây khó khăn trong triển khai thực hiện tại cơ sở. "Có người được nhận, có người không, người nhận theo hộ, người nhận cá nhân" - ông Mãi dẫn chứng.

Trong thời gian tới, TP.HCM cố gắng bố trí đủ nguồn ngân sách để tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho bà con, để người thực sự khó khăn tiếp cận được gói an sinh xã hội. Cùng với đó, TP sẽ tiếp tục duy trì chương trình giảm nghèo bền vững, hoàn thiện các vấn đề liên quan đến pháp lý kế hoạch vốn trong quý I/2022.

Vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, ông Mãi cho hay TP.HCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện sớm triển khai đề án nhà ở giá rẻ để người lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được dưới hình thức thuê hoặc mua. TP sẽ kêu gọi, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các chương trình này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem