Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân: Tập trung chính sách cho chuyển đổi xanh, bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân: Tập trung chính sách cho chuyển đổi xanh, bền vững
Tuấn Hùng - Tuệ Linh
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 08:27 AM (GMT+7)
Chiều 7/11, UBND tỉnh Lai Châu và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ Hội Nông dân và các chủ thể có sản phẩm OCOP năm 2024. Đây là một hoạt động nhằm thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Lai Châu
Hội nghị là hoạt động thường niên được tổ chức hàng năm, đồng thời đây cũng là hoạt động trong chuỗi sự kiện nông dân và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nông dân tỉnh Lai Châu (12/11/1974 - 12/11/2024).
Ông Hà Trọng Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Đình Đức - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, Hội Nông dân các huyện, thành phố, Câu lạc bộ “Nông dân khởi nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Lai Châu”, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và các chủ thể có sản phẩm OCOP.
Phát biểu khai mạc, Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ và thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, chính sách liên kết tập trung đất đai, phát triển hạ tầng sản xuất...
Nhờ đó đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân tăng 5%/năm, nhiều sản phẩm thành hàng chủ lực của tỉnh, quy mô tập trung đã dần hình thành như: Trên 3.800ha lúa, trên 10.500 ha chè, trên 7.400 ha mắc ca, trên 12.500 ha quế; trên 7.800 ha cây ăn quả; trên 11.300 ha cây dược liệu trong đó có Sâm Lai Châu; ngành chăn nuôi thủy sản cũng ngày càng phát triển; toàn tỉnh có 215 sản phẩm của 89 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên... Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, dân chủ, giàu bản sắc văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, khi nhìn lại vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn cần quan tâm tháo gỡ như chính sách được ban hành nhưng đối tượng thụ hưởng chính sách chưa được triển khai, nắm bắt, tiếp cận thông tin về chính sách hoặc nắm về chính sách không đầy đủ; cơ chế hỗ trợ, điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tổ chức liên kết còn gặp nhiều khó khăn...
Ông Hải nhấn mạnh, chính vì vậy, Hội nghị đối thoại được tổ chức với mong muốn cầu thị, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh để UBND tỉnh, các cấp, các ngành chuyên môn của tỉnh được tiếp thu, giải đáp. Đồng thời nghiên cứu để kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách trong giai đoạn tới, giúp cho chính sách và công tác quản lý phát triển nông nghiệp nông thôn được sát và hiệu quả hơn. Đề nghị các ngành được phân công tiếp thu, giải đáp, trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung trọng tâm để Hội nghị đem lại hiệu quả, với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, mang tính xây dựng…
Tại Hội nghị, các đồng chí tham dự được nghe Kết quả thực hiện kết luận tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với hội viên nông dân sản xuất kinh doanh, cán bộ Hội Nông dân và các chủ thể OCOP năm 2023; Báo cáo tình hình khảo sát và tổng hợp các ý kiến, câu hỏi của cán bộ, hội viên, nông dân.
Theo đó, tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu với hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ hội nông dân và chủ thể sản phẩm OCOP năm 2023 có 67 câu hỏi, ý kiến phản ánh, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân được chuyển tới Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và đã được đại diện các sở, ngành và UBND tỉnh giải đáp, tháo gỡ kịp thời. Trong đó có 20 câu hỏi đã được trả lời trực tiếp tại Hội nghị đối thoại, còn lại các câu hỏi đều được trả lời chi tiết bằng văn bản và gửi tới người hỏi, các cơ quan, đơn vị liên quan. Sau cuộc đối thoại, các nút thắt từng bước đã được gỡ bỏ, tạo khí thế, niềm tin và động lực to lớn cho hội viên, nông dân tỉnh Lai Châu thi đua sản xuất kinh - kinh doanh, vươn lên làm giàu.
Hội nghị cũng đã dành phần lớn thời gian để cán bộ, hội viên, nông dân, chủ thể sản phẩm OCOP đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND tỉnh với 47 ý kiến đề nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các nội dung kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; công tác quản lý đất đai; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tín dụng, ngân hàng; hạ tầng nông thôn; quản lý thị trường; thông tin và truyền thông.
Đã có 20 câu hỏi được các sở, ngành giải đáp; còn lại 27 câu hỏi, đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, trả lời hội viên nông dân, các chủ thể OCOP.
Tổ chức Hội nghị chuyên đề sâu để thúc đẩy phát triển "tam nông"
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng các ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ Hội Nông dân và các chủ thể có sản phẩm OCOP năm 2024 là rất xác đáng, phù hợp với nhiều vấn đề phát sinh trên địa bàn tỉnh. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, ông Hải tiếp thu các ý kiến, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và có văn bản trả lời.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sẽ không ban hành chương trình trọng điểm cho ngành nông nghiệp nữa vì kỳ Đại hội trước đã ban hành 2 chương trình trọng điểm có định hướng đến năm 2030; mà sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung những phát sinh mới, yếu tố lợi thế, rà soát điều chỉnh lại chính sách cho nông nghiệp nông thôn để tiếp tục thực hiện.
Để thời gian tới cuộc sống của người nông dân tốt hơn, nông nghiệp nông dân và nông thôn khởi sắc hơn, ông Hải đề nghị sản xuất trong nông nghiệp nông thôn cũng phải thay đổi gắn với kinh tế xanh, nhanh và bền vững của tỉnh theo định hướng của tỉnh và Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng đề nghị các sở, ngành liên quan đến chính sách để hỗ trợ và thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, liên kết sản xuất, tập trung đất đai, phát triển hạ tầng sản xuất… liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu của tỉnh theo hướng an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính; phải xác định lại ngành hàng chủ lực của tỉnh, phải xây dựng được chuỗi liên kết.
Đồng thời các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, đánh giá lại xu hướng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh và gợi mở gắn với định hướng của Đại hội Đảng để xây dựng chủ đề và tổ chức được Hội nghị đối thoại từ những năm sau theo chuyên đề chuyên sâu, giúp giải quyết được những vấn đề cụ thể, thiết thực hơn đối với người nông dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân và các chủ thể sản phẩm OCOP hàng năm đã và đang tạo nề nếp, định kỳ hàng năm để lãnh đạo UBND tỉnh và các địa phương tổ chức đối thoại với nông dân; một số huyện tổ chức tới cấp cơ sở để nghe nông dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng.
Điều này có ý nghĩa rất lớn, vừa giúp cho lãnh đạo các địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, khó khăn vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn để lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết; đồng thời, làm tăng niềm tin, phấn khởi của nông dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên của nông dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh.
Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân hàng năm là một hoạt động được tổ chức thực hiện theo Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân, các hợp tác xã để kịp thời lắng nghe, trao đổi những vấn đề, lĩnh vực thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của các địa phương. Đối với các vấn đề, chính sách lớn, Thủ tướng sẽ trực tiếp lắng nghe và đối thoại tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam hàng năm.
Đến nay, cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân và đạt được nhiều kết quả, tạo niềm tin, sự phấn khởi với cán bộ, hội viên nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.