Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Sát dân, gần cơ sở để thay đổi cách làm của người nông daa
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường: Sát dân, gần cơ sở để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân
Hoàng Chiên - Nguyễn Đức
Thứ hai, ngày 06/11/2023 07:35 AM (GMT+7)
Trả lời Dân Việt, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi xác định người dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia là chủ thể chính, là mục tiêu và trung tâm phục vụ".
Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Lào Cai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện Chương trình còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
PV Báo Điện tử Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai để tìm hiểu rõ hơn về các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Lào Cai chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia
Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh Lào Cai đã phân bổ 85% vốn TW giao đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của các địa phương đạt thấp. Trong khoảng thời gian ngắn cuối năm, giải pháp nào để Lào Cai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thưa ông?
- Cho đến thời điểm này, thời gian còn lại của năm 2023 để thực hiện nguồn vốn các chương trình MTQG trong đó có Chương trình Phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không còn nhiều, chỉ còn gần 2 tháng. Tại Lào Cai, việc đẩy nhanh giải ngân đang được các địa phương tập trung chỉ đạo. Thực tế, việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình của tỉnh không chỉ tập trung ở thời điểm cuối năm, mà thường xuyên ở mọi thời điểm.
Về giải pháp, chúng tôi tăng cường đồng bộ các khâu trong triển khai Chương trình ở địa phương từ công tác tổ chức chỉ đạo; truyền thông, tuyên truyền, vận động đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá. Trong đó, từng khâu có xác định cách thức cụ thể, việc làm trọng tâm.
Cụ thể, trong tổ chức chỉ đạo, quản lý tỉnh Lào Cai phân công nhiệm vụ cụ thể người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc các ngành, các cấp địa phương thông qua quy chế hoạt động Ban chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp; trong quản lý ở địa phương đã đẩy mạnh việc phân cấp nhằm tăng cường tính chủ động cho cấp huyện, cấp xã.
Đối với công tác tuyên truyền vận động, chúng tôi xác định người dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng Chương trình là chủ thể chính, là mục tiêu và trung tâm phục vụ, hướng cho họ tích cực tham gia thực hiện các nội dung chương trình để có hiệu quả.
Để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ đầu tư, đơn vị chủ dự toán xây dựng kế hoạch giải ngân các dự án, các nội dung chi tiết theo hằng tuần, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Bên cạnh đó, Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành ở tỉnh thường xuyên xuống địa phương, cơ sở nắm tình hình, trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của cơ sở. Các đoàn kiểm tra, giám sát, ngoài việc đánh giá tình hình thực hiện phải tăng cường công tác hướng dẫn cơ sở để thực hiện các nội dung chương trình nhằm đảm bảo đúng quy định, phát huy hiệu quả.
Vậy, mục tiêu giải ngân 100% vốn kế hoạch Chương trình năm 2023 có thể thực hiện được không thưa ông?
- UBND tỉnh Lào Cai trong thời gian qua đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc với những giải pháp như trên, tỉnh Lào Cai quyết tâm giải ngân hoàn thành kế hoạch nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2023.
Đối với vốn sự nghiệp, chúng tôi phấn đấu giải ngân mức cao nhất có thể, nhưng đến thời điểm này khó có khả năng thực hiện hết vốn kế hoạch giao. Bởi, ngoài một số một số khó khăn vướng mắc do đặc thù của địa phương thì còn có những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương chưa được tháo gỡ.
Ví dụ như, điều kiện để doanh nghiệp HTX được làm chủ liên kết sản xuất chuỗi giá trị khi có từ 70% trở lên số lao động là người dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ sản xuất theo hình thức cho vay ủy thác quan Ngân hàng chính sách XH cho đồng báo dân tộc còn nhiều khó khăn thuộc Dự án 9, đến nay trung ương chỉ đạo tạm dừng thực hiện việc chính sách này, chờ trung ương điều chỉnh hình thức hỗ trợ trong khi vốn trung ương giao thực hiện Dự án 9 thì địa phương không có thẩm quyền điều chỉnh cho DA khác.
Địa phương được phép điều chỉnh vốn sự nghiệp trong nội bộ từng dự án thành phần và phải cùng lĩnh vực; thời hạn điều chỉnh vốn theo luật Ngân sách quy định phải trước thời điểm ngày 15 tháng 11 năm kế hoạch. Còn hiện tại, đã là tháng 11/2023.
Bên cạnh mục tiêu đẩy nhanh kết quả giải ngân, tỉnh luôn chỉ đạo phải đề cao hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ các nội dung thuộc Chương trình hiệu quả thiết thực thì mới bố trí kinh phí thực hiện.
Tháo gỡ điểm nghẽn, gần dân để thực hiện được Mục tiêu quốc gia
Bên cạnh những vướng mắc về thể chế, chính sách từ các Bộ, ngành Trung ương, theo ông có những điểm nghẽn nào về tính đặc thù của Lào Cai cần được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
-Đúng là trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Lào Cai, có một số vướng mắc mang tính đặc thù. Chúng tôi cũng đã đề ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc này.
Thứ nhất, điều kiện về quỹ đất đai để thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, sắp xếp dân cư rất hạn chế. Việc này, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo để làm một cách bài bản từ khâu rà soát, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để tạo quỹ đất dân cư.
Thứ hai, ý chí quyết tâm của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững còn chưa cao. Trong thực hiện các dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất địa bàn vùng dân tộc thiểu số, năng lực doanh nghiệp địa phương hạn chế, trong khi đó điều kiện tự nhiên, nhất là đất đai để thu hút các doanh nghiệp ngoài địa phương khó khăn.
Việc này, tỉnh Lào Cai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân vùng đồng bào khó khăn, cũng như thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn vào các khu vực này, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường tốt nhất cho người dân phát triển.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, tỉnh Lào Cai cũng có những cách làm hay, sáng tạo để hỗ trợ người dân. Như việc thuyết phục, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng mũi nhọn gắn với phát triển hàng hóa. Câu chuyện này cho thấy, ở khu vực đồng bào thiểu số, vai trò của cán bộ cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
-Việc định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai rất khó khăn (đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) bởi người dân đã quen với phương thức sản xuất, tập quán canh tác truyền thống.
Tỉnh Lào Cai đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các DN, HTX tham gia vào sản xuất, như: Hội nghị xúc tiến thương mại cấp tỉnh; Hội thảo xúc tiến đầu tư thương mại ngành hàng Quế tại Bảo Yên; Hội nghị xúc tiến thương mại dược liệu tại Bắc Hà; Hội nghị chè tại Mường Khương; ...
Trong 9 tháng đầu năm 2023 đã chuyển đổi 2.871 ha đất sản xuất kém hiệu quả (sắn, ngô) sang trồng các cây trồng như chuối (168 ha), dứa (95ha), chè (350ha), dược liệu (135ha), quế (1.360 ha), cây ăn quả (763 ha).
Do đó việc tuyên truyền, vận động người dân để thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sản xuất, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương là rất cần thiết cũng như bảo đảm theo định hướng phát triển hàng hóa của tỉnh.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã chỉ đạo việc hỗ trợ phải gắn với chiến lược phát triển của tỉnh, trong đó có chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa (Nghị quyết số 10-NQ/TU) để phát triển các vùng hàng hóa (chè 8.420 ha; chuối 2.500 ha; dứa 2.200 ha; dược liệu hàng năm 980 ha; quế 58.000 ha).
Do đó các địa phương trong tỉnh đều định hướng ưu tiên hỗ trợ cho các ngành hàng chủ lực để xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ ổn định, bền vững cho người dân.
Để làm được điều đó, chúng tôi tăng cường tạo điều kiện cho các cán bộ cơ sở đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn để về cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện tốt hơn cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia nhiều hơn.
Từ việc được Nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho đôi ngũ cán bộ cơ sở, cộng với sự nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu biết thực tiễn, mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình và nhu cầu của người nông dân; đỗi ngũ cán bộ cơ sở với phương châm "sát dân, gần cơ sở" đã thuyết phục, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng mũi nhọn gắn với phát triển hàng hóa.
Cụ thể như: Chuyển đổi đất làm nương rẫy, trồng các loài cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng, quế, trồng chè, trồng chuối, trồng dứa…; tổ chức xây dựng chuỗi liên kết ngang bằng việc thành lập các Tổ hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác…; đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất… Chủ động đề xuất, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để cung ứng vật tư, cây con giống đầu vào và hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.
Từ những việc làm cụ thể đó, cái được rõ nét nhất cho thấy cán bộ cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.
Từ đó, làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Lào Cai chuyển dịch rõ nét, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Từ câu chuyện này, theo ông kinh nghiệm của Lào Cai về việc đào tạo, sử dụng nguồn lực cán bộ địa phương (đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số) trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia là gì?
- Thực tế, việc đào tạo, sử dụng nguồn lực cán bộ địa phương không phải chỉ nhằm và không tách riêng để thực hiện Chương trình MTQG mà để thực hiện chung trong mọi lĩnh vực phát triển KTXH ở địa phương.
Tỉnh Lào Cai quan tâm đào tạo, sử dụng nguồn lực cán bộ địa phương (đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số) nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH gắn với tăng cường công tác dân tộc. Hiện nay, tỷ lệ CBCCVC người DTTS tỉnh Lào Cai ở cấp tỉnh, huyện chiếm 33,6%; cấp xã chiếm 63,46%; 100% CBCVC đạt và vượt chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm.
Từ thực tiễn trong công tác đào tạo, sử dụng nguồn lực cán bộ địa phương, tỉnh Lào Cai đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ người DTTS như: Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019, của Bộ Chính trị, "Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới"; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành... Chú trọng thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với CBCCVC các cấp là người DTTS.
Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, chú trọng quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Ba là, thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC người dân tộc thiểu số; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ người dân tộc thiểu số có cơ hội, môi trường thuận lợi để tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch cụ thể và nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bốn là, thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ, sắp xếp cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số tiến tới bảo đảm các cơ quan, đơn vị địa phương có tỷ lệ CBCCVC người dân tộc thiểu số hợp lý.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số; kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ trên địa bàn.
Tỉnh Lào Cai đã có những giải pháp gì để phát huy tốt vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thưa ông?
- Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 1.119 người có uy tín (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, cán bộ hưu trí, thầy mo…). Đây là những người tiêu biểu, gương mẫu, có sức truyền cảm mạnh mẽ trong cộng đồng thôn bản, dòng họ, dân tộc, được người dân bình chọn.
Hoạt động của đội ngũ người có uy tín rất đa dạng đã góp phần rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với từng người, từng hộ gia đình trong thôn bản.
Đội ngũ người có uy tín cũng là những cộng tác viên đắc lực trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh nói chung, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Những công lao đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là "chỗ dựa" đáng tin cậy, là "cầu nối" giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ với nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong suốt thời gian qua.
Để người có uy tín, già làng, trưởng bản phát huy tốt được vai trò của mình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành: Chú trọng công tác tập huấn kiến thức, cập nhật thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chính sách đặc thù của tỉnh tới người có uy tín, nhằm trang bị những kiến thức cần thiết giúp người có uy tín cập nhật, thực hiện và phát huy tốt vai trò tuyên truyền vận động tại cộng đồng.
Còn ở cấp xã, chúng tôi mời người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia một số cuộc họp ở cấp xã, thôn như: các cuộc họp sơ kết, tổng kết của Mặt trận Tổ quốc xã, Ban công tác Mặt trận thôn, công tác Tuyên vận,… Thông qua các cuộc họp này, cung cấp thông tin cho người có uy tín chủ trương của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con tại thôn, bản chấp hành và thực hiện; đồng thời là diễn đàn để người có uy tín có điều kiện phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai thực hiện tốt các chính sách được Thủ tướng Chính phủ quy định như: Thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; tổ chức các Đoàn đi học tập kinh nghiệm. Đặc biệt là công tác khen thưởng, biểu dương đối với người có uy tín được quan tâm, thực hiện kịp thời (tổ chức các hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu), thực hiện việc tiếp đón, tặng quà cho các đoàn người có uy tín đến làm việc với tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn và chúc tỉnh Lào Cai sẽ hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.