Chủ tịch UBND TP Hội An: Di tích Chùa Cầu trùng tu mới sao lại nói như “thanh niên”?
Chủ tịch UBND TP Hội An: Di tích Chùa Cầu trùng tu mới sao lại nói như “thanh niên”?
Trương Hồng
Chủ nhật, ngày 28/07/2024 18:28 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, việc trùng tu Chùa Cầu có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, nhà chuyên môn, công khai minh bạch. Di tích trùng tu mà sao ví như "thanh niên"...?
Những ngày gần đây, có ý kiến cho rằng, di tích Chùa Cầu ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau khi trùng tu đã không còn vẻ đẹp cổ kính, di tích cũ mà như một "thanh niên trai trẻ" hơn là cụ Chùa Cầu.
Ngày 28/7, trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đưa ra quan điểm: Di tích trùng tu mà sao ví như "thanh niên"? Ví von kiểu đó là nói sai, không đúng, nói sai cơ bản của việc trùng tu di tích.
Nếu là "thanh niên" phải làm như mới hoàn toàn, còn đằng này trùng tu giữ hết lại cái gốc của di tích Chùa Cầu, chỉ có màu sơn là mới".
Chùa Cầu sau khi được trùng tu với màu sơn khác màu cũ làm dư luận quan tâm. Ảnh: V.N
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, việc thay đổi màu sắc sau trùng tu là điều không thể tránh khỏi và Chùa Cầu sẽ sớm cũ màu như vốn có.
Vì loại vật liệu dùng để trang trí lớp áo di tích Chùa Cầu sau khi trùng tu là vôi ta (gọi là vôi thời xưa). Vôi này khi mới quét xong nhìn có vẻ mới, nhưng khi gặp vài cơn mưa và thời tiết ẩm ướt thì rêu mốc sẽ xuất hiện. Chùa Cầu sẽ sớm trở lại như xưa.
"Chùa Cầu là một di tích đặc biệt, nhưng lâu năm Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, vào năm 2016 đã tổ chức trùng tu một lần, nhưng do nguồn kinh phí ít nên nay mới được tổ chức trùng tu thật tỉ mỉ và kiên cố hơn.
Trước khi trùng tu đã nghiên cứu rất cẩn thận, tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, có nhiều chuyên gia và có cả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu kỹ rồi mới cho ý kiến trùng tu Chùa Cầu.
Khi tổ chức trùng tu, tất cả các cấu kiệu gỗ, hoa văn, từng chi tiết nhỏ của di tích đã được giữ lại toàn bộ. Những chi tiết, hoa văn, gỗ, ngói nào hư hỏng thì mình sẽ thay sao cho hợp với màu gỗ cũ giống như di tích", ông Sơn cho biết.
Theo lãnh đạo TP Hội An, việc trùng tu Chùa Cầu có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, nhà chuyên môn, công khai minh bạch. Ảnh: V.N
Ông Nguyễn Văn Sơn nói thêm, việc trùng tu Chùa Cầu có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, nhà chuyên môn, công khai minh bạch, đồng thời có nhiều du khách trong và quốc tế tham quan giám sát.
"Lúc trùng tu có một việc nhỏ gì là các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phản ánh, lên tiếng rồi. Việc này, cũng không có. Đằng này, khi hoàn thành 100%, đưa vào hoạt động chỉ có màu sơn là mới nên mới có dư luận như vậy.
Khi trùng tu không thể đưa công nghệ, đưa hóa chất vào pha màu để làm như cũ được, vì đưa hóa chất vào sẽ ảnh hưởng đến công trình sau này.
Màu vôi không quan trọng, không thể chê màu vôi mà đổ hết cả một công trình trùng tu di tích Chùa Cầu. Công trình trùng tu phải thay đổi màu sắc, không thể giữ được như màu cũ.
Cái quan trọng là sự cổ kính của tất cả các cấu kiệu cũ của di tích mới là quan trọng. Những cái kết tinh hàng trăm năm thì không thể nào bỏ và thay thế cái mới vào được. Đặc biệt, công năng của Chùa Cầu vẫn như xưa không thay đổi…", ông Sơn giải thích.
Cũng theo Chủ tịch thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, khi trùng tu Chùa Cầu, phía Nhật Bản cũng phái cử chuyên gia từ Tổ chức JICA, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản qua tư vấn giúp Hội An tu bổ Chùa Cầu đạt độ chuẩn xác cao.
Được biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu ở Hội An có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.
Dự án này được khởi công vào ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ đã tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng.
Chùa Cầu là một cây cầu cổ nối hai phố Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, nằm ở phía tây nam khu phố cổ Hội An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Công trình bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài.
Cầu ban đầu được khởi dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 16, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản.
Chùa Cầu dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m; có kiến trúc pha trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc cầu theo mặt bằng gồm 3 phần chính là 2 phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa. Mỗi đầu cầu hai phía được xây gạch bao gồm 3 nhịp, phần cầu ở giữa có 5 nhịp đặt trên các trụ gạch cắm xuống nước. Tất cả hệ khung của công trình làm bằng gỗ, có 3 hệ mái tương ứng với 3 phần cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.