Chủ tịch UBND xã An Nhứt táo bạo tạo sinh kế cho người dân bằng ẩm thực đồng quê ngay giữa cánh đồng
Chủ tịch UBND xã An Nhứt táo bạo tạo sinh kế cho người dân bằng ẩm thực đồng quê ngay giữa cánh đồng
Đỗ Thị Thu Hiền
Thứ ba, ngày 29/10/2024 14:09 PM (GMT+7)
Cả cánh đồng lúa xã An Nhứt (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) vàng rực như một tấm thảm lớn chạy dài tít tắp tới tận chân trời, con đường nhựa uốn lượn bên cạnh dòng kênh xanh tạo nên khung cảnh thôn quê bình yên, tươi đẹp. Người góp phần tạo nên diện mạo này chính là anh Nguyễn Tường Thành - Chủ tịch UBND xã.
Từng tốp du khách đi dạo, không giấu sự thích thú, check-in trên con đường quê. Người góp phần thay đổi diện mạo cho cánh đồng An Nhứt chính là anh Nguyễn Tường Thành - Chủ tịch UBND xã.
Từ lời giới thiệu của người dân: "Nhờ Chủ tịch Thành mở ra khu ẩm thực quê trên cánh đồng này mà nhiều người dân có việc làm, thu nhập.
Từ ngày có gian hàng này, ông chồng tôi đã chăm chỉ làm ăn, vợ chồng đỡ lục đục", tôi đã tìm đến nhà Chủ tịch UBND xã An Nhứt Nguyễn Tường Thành vào một sáng Chủ nhật. Cứ nghĩ là gặp anh vào ngày nghỉ sẽ có thời gian nói chuyện thoải mái hơn nhưng tôi nhầm vì anh vẫn có cuộc họp đột xuất.
Rồi anh kể cho tôi nghe lý do thành lập khu ẩm thực trên cánh đồng An Nhứt. Đó là thời điểm cuối năm 2023, Nhà máy may KNK xây dựng ngay trên đất An Nhứt đã lâu bỗng nhiên bị giải thể, gần 200 người dân mất việc làm.
Cuộc sống mỗi gia đình đều trông cậy vào những lao động chính trong nhà máy, giờ những trụ cột mất việc, gia đình nào cũng lao đao. Là người đứng đầu trong xã, anh băn khoăn lo lắng. Một câu hỏi cứ xoáy trong đầu anh: "Làm thế nào để xoá đi những nguy cơ đang hiện hữu ngay trong xã nhà".
"Người dân xã tôi chưa hẳn là giàu có, nhưng họ có tấm lòng sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân cho quê hương đất nước".
Anh Nguyễn Tường Thành
Thường ngày, cứ họp hành hay giải quyết công việc ở xã xong là anh phóng xe lượn một vòng quanh cánh đồng theo thói quen. Cánh đồng đã gắn bó với anh từ thời thơ ấu, và luôn thay đổi theo mùa.
Lúc gieo hạt, cả cánh đồng phẳng lì thơm mùi bùn non. Lúc lúa thì con gái, cánh đồng tươi xanh mơn mởn trông như một tấm thảm xanh mướt. Lúc lúa chín, phủ một màu vàng rực lại thơm mùi lúa mới.
Lúc cánh đồng đã gặt, chỉ còn trơ gốc rạ, mùi của những gốc rạ quyện cùng mùi bùn sắp khô vừa hoang dã, vừa cô liêu, vừa tràn đầy sôi động.
Hôm ấy, đứng lặng ngắm cánh đồng, ngắm con đường nhựa màu xám, mặt đường rộng 5m men theo con mương thủy lợi - công trình nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư bằng ngân sách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh cảm thấy lạ.
Anh chợt nghĩ: "Cảnh đồng quê mình thật đẹp. Nếu như ở đây mở một khu ẩm thực quê cho bà con khắp vùng đến vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức những món ăn của xã như bánh hỏi An Nhứt nổi tiếng khắp vùng rồi bánh khọt và nhiều các món ăn, các loại bánh khác thì sẽ tạo sinh kế cho người dân và cũng là một hướng phát triển du lịch cộng đồng khu vực nông thôn".
Như đã tìm được giải đáp, anh Thành báo cáo với Đảng uỷ xã về phương án xây dựng khu ẩm thực quê tại cánh đồng lúa của xã. Khi đã được sự thống nhất trong Đảng ủy, anh triển khai phương án cùng các đoàn thể góp sức.
Những ngày đầu, anh huy động lực lượng công an xã, dân quân xã, các đoàn thể, ban ấp giúp các gia đình làm quầy hàng và trang trí quầy. Dọc bờ kênh, trồng cây, trồng hoa cho cảnh quan thêm đẹp.
Với sự góp sức của nhiều người, cuối cùng khu ẩm thực quê cũng được hình thành với hơn 30 gian hàng, sau tăng lên 70 Khu ẩm thực đã sớm đi vào hoạt động vào buổi chiều từ 16 - 22 giờ, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa đến trải nghiệm mỗi ngày để thưởng thức những món ăn quê.
Đồng lòng vượt khó xây dựng quê hương
Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, khu ẩm thực quê mới hoạt động được một tháng thì phải ngừng hoạt động vì chưa có kinh nghiệm nên nhiều vấn đề bất cập cần phải khắc phục như: phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn cho du khách.
Chủ tịch UBND xã An Nhứt lại đau đầu suy nghĩ phương án khắc phục để cho người dân tiếp tục phục vụ du khách được tốt hơn.
Khi kế hoạch và các phương án đã hoàn chỉnh, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Long Điền, mô hình ẩm thực quê được xây dựng tại một vị trí khác thuận lợi hơn.
Để cho khu ẩm thực quê hoạt động một cách có hiệu quả. Chủ tịch Tường Thành đã huy động các đoàn thể vào cuộc, công an bảo vệ an ninh; dân phòng quản lý xe máy, ôtô suốt dọc bờ kênh; Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ kiểm tra xếp đặt gian hàng giúp bà con.
Hai bên đường kênh ngoài trồng cọc tiêu và biển chỉ dẫn còn được lắp hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời đảm bảo ánh sáng và an toàn cho du khách.
Chủ tịch Tường Thành đi kiểm tra từng cọc tiêu, sửa sang từng lẵng hoa trên các lều quán, nhắc nhở hàng quán để thùng rác sao cho khỏi mất mỹ quan.
Khi mọi việc đã hoàn thiện, ngày 20/3/2024 khu ẩm thực quê lại tiếp tục hoạt động. Người dân trong xã phấn khởi vì cuộc sống đã khởi sắc. Cho đến nay, khu ẩm thực đã có hơn 70 gian hàng, gồm các món ăn dân dã: Gỏi cuốn, bánh khọt, bánh hỏi, bánh chuối, khoai, mì, bánh mì, chả cá, hàu nướng, trứng vịt lộn…
Tôi hỏi đến việc sản xuất nông nghiệp, anh Thành cho biết, xã đang trồng 20ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Để bao tiêu đầu ra HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
HTX còn thực hiện chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường trên những cánh đồng sản xuất nông nghiệp", ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng công nghệ sinh thái trồng các loại hoa có hương thơm và màu sắc dẫn dụ, tiêu diệt sâu rầy có hại...
Tôi tấm tắc khen: "Vào đến xã An Nhứt chỉ toàn thấy đường hoa. Đường bê tông sạch sẽ như thành phố. Đúng là một xã kiểu mẫu". Anh Thành cười giòn tan: "Người dân xã tôi chưa hẳn là giàu có, nhưng họ có tấm lòng sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân cho quê hương đất nước".
Rồi anh chậm rãi kể cho tôi nghe chuyện mấy năm gần đây đất đai thực sự là "tấc đất, tấc vàng". Vậy mà người dân xã An Nhứt đã đồng lòng vui vẻ hiến đất mở đường trải nhựa bê tông hoá ô tô vào tận nhà.
Từ năm 2016 đến nay người dân trong xã đã hiến 10.000m2 đất làm đường; 11.000m2 làm công trình thuỷ lợi, xã hoàn thành 12 tuyến đường giao thông nông thôn…
Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường trạm y tế được sửa chữa xây dựng mới đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đều có bước phát triển mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo giảm đáng kể, an ninh trong xã được giữ vững và ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.