Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội XIV về Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Thắng chia sẻ về việc được giao tái cơ cấu 2 ngân hàng yếu kém bị mua 0 đồng. Khi mua 0 đồng thì mới nảy sinh rất nhiều vấn đề mà chưa được quy định tại các luật hiện hành.
“Đây là những vấn đề rất mới của chúng ta. Ngay như mua ngân hàng 0 đồng dư luận đã có ý kiến, có phù hợp với quy định pháp luật chưa?”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng băn khoăn.
Hỗ trợ ngân hàng yếu kém đã được tháo gỡ
Thực tế, nếu không mua 0 đồng thì rất nguy hiểm vì hai ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán, nếu Nhà nước không vào cuộc thì không thanh toán được quyền lợi cho người gửi tiền.
“Như Oceanbank có tới 5.000 tỷ đồng chủ yếu người gửi là cán bộ hưu trí, GPBank thì còn lớn hơn. Nên vấn đề đặt ra là tính pháp lý với các tổ chức tín dụng yếu kém. Các hình thức như sáp nhập, hợp nhất, buộc chuyển nhượng cổ phần và thẩm quyền của các cơ quan cần được quy định làm rõ”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng phân tích.
Đại biểu Thắng cho biết thêm, thời gian tới còn nhiều vấn đề chưa thể biết trước. Còn nhiều ngân hàng và những khoản nợ phải được xử lý. Những vấn đề này cần có sự quy định cụ thể về những cán bộ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
“Đề nghị miễn trách nhiệm với các cán bộ tham gia. Nhưng tôi cho rằng miễn trách nhiệm nhưng không phải là tất cả, vì các tổ chức tín dụng này vốn khó khăn rồi. Ví dụ như OceanBank, Vietinbank phải đưa sang 100 người. Oceanbank thuộc NHNN, hoạt động yếu kém nên lương thưởng bị cắt hết, anh em đã tâm tư rồi.
Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank (Ảnh: Dàm Duy)
Nhưng khi sang, nhiệm vụ có hoàn thành không, có đưa ngân hàng đó thoát ra được không, có sai sót gì không? Và những vấn đề khác nữa. Nên phải làm rõ miễn trách nhiệm của ngân hàng tham gia tái cơ cấu, cán bộ tái cơ cấu”, đại biểu Thắng phân tích.
Đại biểu Thắng cho biết thêm, Vietinbank tham gia hỗ trợ 2 ngân hàng 0 đồng là OceanBank và GPBank chỉ bằng một văn bản. Nhưng văn bản này có giá trị pháp lý rất thấp, và hai pháp nhân này hoàn toàn độc lập.
“Khi Vietinbank về hỗ trợ công nghệ thông tin cho OceanBank và GPBank thì phải thực hiện dưới dạng cho mượn chứ không phải hỗ trợ hẳn được bằng tiền. Vấn đề này đã được làm rõ trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi nên đã giải quyết được rồi. Đây là điều rất tốt”, đại biểu Thắng phân tích.
Nghị quyết khả thi thì hãy ban hành
Còn về Nghị quyết xử lý nợ xấu, Chủ tịch HĐQT Vietinbank phân tích nợ xấu là một loại hàng hóa, cần phải có thị trường, phải có người mua. Vậy ai là người mua? Theo quy định những tổ chức cá nhân được cấp quyền chức năng mua bán nợ mới tham gia. Như vậy chỉ có 2 đối tác chính nhưng tích cực nhất là DATC của Bộ Tài chính. VAMC năm 2013 chưa có đủ nguồn lực và cơ chế để mua theo thị trường, chủ yếu là mua theo chỉ định.
“Do vậy nợ xấu rất khó bán, khó tìm người mua. Chỉ có một ông mua nên rất khó đàm phán, thực tế là không đàm phán được. DATC áp đặt, thích thì bán không thì thôi. Không bán thì cũng không ai mua cả. Nên vừa qua 50 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý, đàm phán động viên người vay trả nợ và qua con đường đòi nợ thu nợ là khởi kiện ra tòa”, đại biểu Thắng cho biết.
Bởi vậy, theo đại biểu Thắng, Nghị quyết xử lý nợ xấu là rất cần thiết, giải quyết những vấn đề căn bản là tạo ra được một thị trường nơi có người mua người bán, có thể bán được nợ xấu với giá tốt hơn trước đây.
“Dự thảo Nghị quyết cho phép mọi tổ chức, cá nhân tham gia nợ xấu. Tôi rất tán thành”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm.
Còn về nội dung được bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách, theo ông Thắng giải quyết được nhiều vướng mắc.
“Vừa qua không quy định về bán nợ xấu theo giá thị trường, nên với NHTM nhà nước, các anh em khi làm rất ngại. 90% các khoản nợ bán giá thị trường đều dưới giá trị sổ sách, nên chắc chắn có phần thất thoát. Vì vậy, anh em rất lo ngại liệu như thế thì sau này có bị chịu trách nhiệm hay không, nên chủ yếu bán cho DATC vì đây là một đơn vị của Nhà nước”, Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng phân trần.
Đại biểu Thắng cũng tán thành quyền thu giữ tài sản, bởi thời gian qua không xử lý được nợ xấu là do tâm lý chây ì của khách hàng vay. Biết ngân hàng không thể làm gì nếu không khởi kiện tại tòa (trong khi xử lý tại tòa thì lại rất mất thời gian) nên trong thời gian đó họ tiếp tục sử dụng tài sản đó, mặc dù nếu bán đi sẽ thanh toán được cả gốc và lãi.
“Họ không muốn trả nên thường tạo ra các tranh chấp nội bộ, kể cả khi đã khởi kiện ra tòa (các cổ đông kiện nhau buộc vụ việc của ngân hàng và doanh nghiệp phải dừng lại). Một nhóm có 3-4 cổ đông, người này kiện người kia và tài sản họ vẫn thu không chịu nộp vào ngân hàng. Tài sản khấu hao giảm dần giá trị, trong khi nợ ngân hàng vẫn giữ nguyên. Nên chỉ cần tạo thêm sức ép, buộc họ phải phối hợp với ngân hàng là xử lý được nợ. Ở đây là tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm áp lực với người vay nợ”, đại biểu Thắng phân tích.
Đại biểu Thắng cho biết thêm, nhiều trường hợp khách vay đồng ý cho ngân hàng phát mại tài sản, nhưng khi phát mại thì không chịu bàn giao, khiến ngân hàng không có tài sản giao cho người mua.
“Cần phải có sự phối hợp giữa ngân hàng với các cơ quan công an. Phải có quy trình thu giữ như thế nào và trách nhiệm cơ quan công an kiểm sát tham gia vào quy trình này ra sao”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Theo đại biểu Thắng, Nghị quyết ban hành thì phải khả thi, nếu không khả thi thì tốt nhất không nên ban hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.