Như đã thông tin, vào lúc 21 giờ 45 ngày 23.3, ông Phạm Văn Thụy, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) điều khiển xe ô tô di chuyển trên quốc lộ 38B (hướng huyện Phù Cừ đi thành phố Hưng Yên).
Khi đến thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, đã đâm vào 4 học sinh đang đi bộ, gồm các em: Bùi Đăng Phát (17 tuổi, ngụ tiểu khu 7, thị trấn Vương), đã tử vong; Vũ Trọng Nam, Đoàn Trọng Hùng và Nguyễn Đức Thuận (cùng 18 tuổi. ở tiểu khu 5, thị trấn Vương) đều bị thương nặng.
Chiếc xe gây tai nạn. Ảnh: IT
Đến sáng 24.3, một người tên là Nguyễn Văn Quyền (32 tuổi, ngụ thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) đã đến Công an huyện Tiên Lữ nhận là người điều khiển chiếc xe ô tô gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và so sánh lời khai, cơ quan công an đã xác định Quyền không phải là người gây ra vụ tai nạn thương tâm trên.
Đến ngày 28.3, ông Phạm Văn Thụy đã đến cơ quan công an thừa nhận chính mình là người lái xe gây tai nạn, còn Nguyễn Văn Quyền (cháu họ xa của ông Thụy) chỉ là người nhận thay.
Liên quan đến vụ việc trên, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Theo luật sư Hòe, để có thể kết luận chính xác về hành vi của ông Thụy phải chờ đợi kết luận thực nghiệm hiện trường chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Xét trong trường hợp này, nếu vị Chủ tịch UBND xã đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ như đi quá tốc độ cho phép, đi sai làn đường dẫn đến cái chết thương tâm cho người 1 em học sinh và làm 3 em khác bị thương thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017. Người nào phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Hòe, hành vi bỏ mặc người bị nạn không cứu giúp và nhờ người đến nhận tội thay của ông Thụy đã thỏa mãn tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS.
Do đó vị Chủ tịch UBND xã này nếu bị xác định vi phạm, có thể phải chịu hình phạt lên đến 10 năm tù. Trừ trường hợp do hành vi vi phạm pháp luật của mình mà gây tổn hại sức khỏe cho 3 em học sinh với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những em này là 201% trở lên thì vị chủ tịch xã có thể phải đối mặt với mức án lên đến 15 năm tù. Bên cạnh đó, người này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
Mặt khác, bên cạnh trách nhiệm hình sự, người gây tai nạn cũng phải chịu trách bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người bị hại. Theo đó, người nhà của người bị hại và người gây tai nạn có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, Tòa án sẽ áp dụng các mức bồi thường theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật dân sự 2015 về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và Điều 590 BLDS 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cũng như các thiệt hại, chi phí thực tế khác phát sinh do hành vi của người phạm tội dẫn đến như: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, chi phí bồi dưỡng, phục hồi chức năng, chi phí hợp lý và phần thu nhập bị mất...
Điều 260 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017 quy định:
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Làm chết người
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định.
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.