Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh: Hội nghị hiệp thương lần này có ý nghĩa quan trọng đối với các bước tiếp theo của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong góp phần đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
|
Đại biểu Quốc hội khoá XII tại một phiên làm việc ở hội trường. |
Ưu tiên cho cơ cấu kết hợp
Ông Phạm Minh Tuyên - Trưởng ban công tác Đại biểu Quốc hội cho biết: Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII là 500, trong đó, dự kiến số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được bầu là 183 (chiếm 36,6%), đại biểu các cơ quan đơn vị địa phương là 387 (chiếm 63,4%). MTTQ và các đoàn thể được phân bổ 82 đại biểu. Theo kế hoạch dự kiến, việc phân bổ đại biểu T.Ư về ứng cử ở địa phương là 183/500. Như vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội 1 tỉnh có 6 người thì có 2 đại biểu T.Ư.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết: Quốc hội lần này dành cơ cấu thích hợp cho đại biểu dân tộc thiểu số với tỷ lệ 18%, đại biểu nữ chiếm 30%, đại biểu trẻ dưới 40 tuổi chiếm 14%, đại biểu là người ngoài Đảng từ 10 - 15%, đại biểu chuyên trách Quốc hội 165 người, chiếm 32%. Việc phân bổ tỷ lệ đại biểu T.Ư và địa phương hợp lý để Quốc hội hoạt động có hiệu quả, đảm bảo mỗi tỉnh, thành trực thuộc T.Ư có ít nhất 3 đại biểu làm việc tại địa phương.
Tăng đại biểu chuyên trách
Nên đảm bảo cơ cấu kết hợp và số dư để thể hiện tinh thần dân chủ, bình đẳng, đúng luật.
Ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQVN
Tại hội nghị, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị nên giảm đại biểu là thành viên Chính phủ nhưng không nên giảm số đại biểu trong cơ quan Nhà nước. Ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn chủ tịch, cho rằng cần tăng thêm số đại biểu là người dân tộc thiểu số chứ không nên dừng ở con số 90 như dự kiến để tăng cường sự đoàn kết.
Nhiều đại biểu cho rằng đảm bảo cơ cấu là cần thiết, nhưng cần quan tâm hơn đến chất lượng hoạt động của Quốc hội để đảm bảo có một Quốc hội mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, CNH-HĐH đất nước.
"Không bầu vào Quốc hội những người không đủ năng lực. Nếu không quán triệt sẽ cứ loanh quanh mãi về cơ cấu, thì không đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập pháp, nên giảm số người của cơ quan hành pháp vào Quốc hội mà cần tăng thêm đại biểu chuyên trách", ông Trương Công Phú- Ủy viên Đoàn Chủ tịch góp ý.
Tuyên truyền rộng rãi về người ứng cử
(Dân Việt) - Hôm qua (23.2), Tiểu ban Chỉ đạo Thông tin tuyên truyền về bầu cử đã họp phiên đầu tiên. Theo kế hoạch được thảo luận, pháp luật về bầu cử bao gồm Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử HĐND các cấp, các nguyên tắc và quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu sẽ được tập trung tuyên truyền. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - Trưởng Tiểu ban cho biết: Thông tin tiểu sử, quá trình công tác... của người ứng cử sẽ là một nội dung quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền.
Hương Thủy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.