Chủ trương đúng nhưng khó làm

Thứ sáu, ngày 18/11/2011 05:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi, việc bảo vệ nông dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng luật này sẽ gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật lập pháp.
Bình luận 0
img
 

Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hà Nội (ảnh) nói như vậy về đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ nông dân.

Tại kỳ họp này, có ý kiến đại biểu đề xuất nên xây dựng Luật Bảo vệ nông dân. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Xuất phát từ chủ trương quan tâm, bảo vệ nông dân thì đề xuất đó hoàn toàn đúng. Việt Nam là đất nước có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, việc quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng đưa ra đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ nông dân cần phải nghiên cứu thêm. Mỗi luật phải có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng. Nếu xây dựng một luật để bảo vệ nông dân nói chung là rất khó.

Trước đây, Bộ NNPTNT cũng đề xuất xây dựng Luật Nông nghiệp nhưng qua nhiều quá trình bàn đi tính lại vẫn chưa thống nhất được về phạm vi điều chỉnh nên chưa đưa vào chương trình xây dựng luật. Hay như trước đây, cũng có ý kiến đề xuất xây dựng Luật Dân tộc để bảo vệ đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là một bộ phận của nông dân.

Nhưng để bảo vệ đồng bào dân tộc thiểu số phải giải quyết nhiều vấn đề như y tế, giáo dục, giao thông… Một luật không thể giải quyết được vấn đề đó. Vì thế việc bảo vệ nông dân cần phải lồng ghép vào các luật cụ thể mới có thể đạt được hiệu quả.

Theo một số đại biểu thì các giải pháp để bảo vệ nông dân được lồng ghép vào các dự án luật là chưa đủ và cần một bộ luật riêng để có tính hệ thống và tính pháp lý cao hơn?

- Như đã nói, về chủ trương xây dựng luật là hoàn toàn đúng. Ở thành phố, người dân thành thị được thụ hưởng nhiều phúc lợi xã hội hơn ở nông thôn. Ở nông thôn, nông dân không được đầu tư nhiều về giao thông, các địa điểm vui chơi giải trí...

img
Việc chăm lo, bảo vệ người nông dân được thể hiện qua nhiều luật, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Một hình ảnh làm tôi chú ý là đầu một con đường làng thường có barie để ngăn các xe ô tô không được ra vào để tránh đường bị hỏng. Nếu Nhà nước đầu tư cho nông dân một con đường rộng, tốt hơn để ô tô ra vào thuận tiện sẽ tăng giao lưu hàng hóa giữa thành thị, nông thôn, từng bước nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Vì thế, việc quan tâm đến nông thôn, nông dân là đúng. Nhưng sự quan tâm đó phải đi vào từng lĩnh vực, vấn đề cụ thể.

Trước đây và hiện nay, Nhà nước cũng đã chú ý đến vấn đề này trong quá trình xây dựng luật và các văn bản dưới luật. Chẳng hạn như vấn đề bảo hiểm y tế cũng đã có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trong các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục cũng đã quy định về giảm mức đóng góp cho nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Hay việc Quốc hội quyết định các Chương trình 135, 134, 30a… cũng thể hiện điều đó.

Thưa ông, một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với nông dân hiện nay là thiệt thòi trong việc giải phóng mặt bằng. Nếu không bổ sung luật thì nông dân khó có thể được bảo vệ...

- Đúng vậy, đây là vấn đề quan trọng. Người nông dân phải luôn được gắn với ruộng đồng, đất đai. Hiện nay, khi giải phóng mặt bằng để phục vụ đô thị hóa, công nghiệp hóa, người nông dân chỉ được nhận một khoản đền bù nhất định; việc làm ăn sinh sống của họ có nhiều khó khăn. Nếu như, giá đền bù đất hợp lý, người nông dân có cơ sở để tạo lập cuộc sống c mình...

Về việc này, Quốc hội và Chính phủ cũng đã thấy và cần đưa vào các luật, đặc biệt là Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới.

Xây dựng luật phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống

Sáng qua (17.11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012. Hầu hết ý kiến các đại biểu đều tập trung đề xuất phương án để tăng cường chất lượng của các dự án luật, bởi đa số đại biểu đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những hạn chế trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII.

Về các dự án luật được đưa vào chương trình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc đưa chương trình chính thức hay chương trình chuẩn bị các luật, pháp lệnh cần xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, của đất nước hay nhu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu nhu cầu chính đáng thì cần phải cân nhắc cân đối hài hòa. Có luật đưa vào chương trình chuẩn bị nhưng không có nghĩa là đưa vào chương trình chính thức nếu như luật, pháp lệnh chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem