Chữ và lòng

Thứ bảy, ngày 19/02/2011 13:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bây giờ, cảnh nô nức xin chữ đầu năm đã làm sống lại hình bóng ông đồ với mực tàu, giấy đỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào niềm đam mê và sự rôm rả cũng kết tinh thành chân giá trị, nếu như không có được một quan niệm đúng về chữ nghĩa, sẽ có những cách tiếp cận đáng tiếc với thú chơi tao nhã này.
Bình luận 0

Tôi quen một họa sĩ, mấy lần anh có nhã ý tặng tôi một bức tranh mà anh tâm đắc, nhưng tôi đều từ chối. Đơn giản là cho đến giờ, tôi chưa có đủ hiểu biết để thưởng thức tranh, tôi không muốn những ý tưởng của anh bị chết mòn ở gian phòng của tôi. Nói khác đi, tôi không muốn đôi mắt phàm tục của mình làm hỏng nghệ thuật.

Ngẫm ra với chữ Hán cũng vậy. Có lẽ nhiều người đi xin chữ đầu năm theo phong trào, xin cho ra dáng có văn hóa. Nhiều anh đưa bạn gái đi xin chữ để chứng tỏ mình không quá thực dụng. Cũng phải nói rằng, nhiều người đầu xuân đến Văn Miếu xin chữ vì lòng hiếu học.

Xin một chữ "Tâm", chữ "Phúc", "Trí", "Tín"…, nhưng có "gắn kết" được cái đức ấy vào tâm hồn hay không mới là điều quan trọng, bởi chữ mới chỉ là lớp vỏ ký hiệu. Bạn phải tự đọc, tìm hiểu về cách tạo chữ và suy ngẫm về sự thâm viễn của nó, mới có thể ngộ được những chữ ấy.

Nhìn nhiều bạn trẻ đi xin chữ mà cái tâm đã lệch từ sự bon chen, toan tính điều mình cần (thay vì sở nguyện) đã thấy sự lệch lạc đi mất rồi, thì làm sao một chữ Hán mỏng manh kia giúp được lòng người ngay thẳng lại.

Nhớ đến truyện ngắn "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, mới thấy cái đạo của người xin chữ, người ban chữ cao quý đến dường nào. Viên cai ngục cung phụng nhưng không nịnh nọt, khúm núm nhưng thẳng ngay. Người cho chữ bản lĩnh nhưng không cố chấp, chỉ hạ bút viết tặng người tri kỷ nhưng cũng không phụ tấm lòng trong thiên hạ… Tất cả điều đó chỉ mong gìn giữ được sự thanh cao của chữ nghĩa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem