Bất bình đẳng giới
Một nhóm cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cùng Tổ chức Oxfam (Anh) đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 36 phim quảng cáo phát sóng trên VTV từ tháng 9.2010 đến tháng 1.2011 rồi đưa ra kết luận: Có rất nhiều phim quảng cáo tại VN thiếu nhạy cảm về bình đẳng giới.
Với những sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh… thì hầu hết các nhân vật chính trong clip quảng cáo này là phụ nữ. Họ vẽ ra hình ảnh những người phụ nữ liên tục chăm sóc con cái, nấu ăn trong bếp, chọn hàng trong siêu thị, lau rửa nhà vệ sinh, giặt giũ quần áo… Trong khi đó, hình ảnh người đàn ông thì nam tính hơn với các loại nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động, TV… và phạm vi bối cảnh thì ở văn phòng, trung tâm nghiên cứu, những địa điểm mua sắm lớn.
Các quảng cáo được phát liên tục trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng sẽ vô tình gửi đi một thông điệp méo mó: Đã là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ phục vụ gia đình, hầu chồng chiều con; còn đã là đàn ông thì mạnh mẽ, sáng tạo và thành đạt.
Kết luận này nhận được sự đồng cảm của rất nhiều chị em phụ nữ. Khán giả Đỗ Bích Liên ở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đoạn phim quảng cáo bột nêm Maggi 3 ngọt làm chị em phụ nữ chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Phim kể một người đàn ông đang đắm đuối ngắm “phở” xong rồi sực nhớ ra “cơm” đang nấu canh ở nhà nên đành dứt áo ra về.
Việc ngoại tình hay không ngoại tình không phải do người đàn ông mà là do người phụ nữ không biết nấu nướng, có nghĩa là nếu phụ nữ chúng tôi không nấu được nồi canh ngon thì chồng sẽ có bồ hay sao? Mà gọi chúng tôi là “phở” với “cơm” cũng là một sự miệt thị phụ nữ, con trai tôi 5 tuổi đã học theo quảng cáo và hỏi tôi: “Mẹ là phở hay cơm?”.
Chỉ mới “nhắc nhở”
Tại VN, sau rất nhiều lần họp bàn lấy ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật Quảng cáo vẫn còn gây thắc mắc cho nhiều người về sự chung chung, chưa rõ ràng trong quy chế xử phạt.
Cụ thể, tại điều 10.3 của Dự thảo Luật có quy định cấm các hành vi “Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”; nhưng thực tiễn cho thấy, những clip quảng cáo vi phạm điều cấm này vẫn lên sóng đều đều, bộ phận kiểm duyệt là các đài truyền hình hầu như không phát hiện ra cho đến khi được khán giả lên tiếng “nhắc nhở” mới biết.
Cụ thể trong trường hợp của quảng cáo máy lọc nước Kangaroo, sau khi khán giả bức xúc lên tiếng, đại diện của VTV mới thừa nhận việc phát sóng liên tục clip này gây phản cảm, sẽ điều chỉnh. Hay trường hợp clip quảng cáo dầu gội Rejoice bị cho là “nàng dâu vô lễ với mẹ chồng”. Bà Lan Hương- Giám đốc Trung tâm Quảng cáo của Đài Truyền hình VN cho biết, hiện nay nhà sản xuất đã được yêu cầu dừng phát sóng để sửa lỗi.
Trường hợp vi phạm điều 10.6 về cấm so sánh chất lượng trong Dự thảo Luật Quảng cáo của clip mì Tiến Vua “tố” các hãng mì khác sử dụng phẩm màu hóa học độc hại, hay hàng loạt quảng cáo vi phạm điều 10.4 “công bố sai sự thật về chất lượng hàng hóa” của vô số sản phẩm trên nhiều kênh TVshopping đã bị phát hiện, nhưng cho đến giờ người tiêu dùng vẫn chẳng biết mình sẽ được giải thích, bồi thường như thế nào.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho biết: “Với những trường hợp quảng cáo phản cảm trên truyền hình, khi Cục Quản lý phát thanh truyền hình – Bộ Thông tin - Truyền thông có công văn “nhắc nhở” thì các đài dừng phát sóng ngay, có nhiều trường hợp đã được xử lý như vậy. Còn từ trước tới giờ, ở VN chưa có trường hợp quảng cáo phản cảm nào bị xử phạt cả”.
Vấn đề đặt ra là liệu khán giả có thể tin tưởng vào sự thẩm định của các đài truyền hình khi quyết định phát sóng các clip quảng cáo hay chưa? Luật sư Lê Quốc Hưng ở Văn phòng luật Lê Quốc tại Hà Nội cho biết: “Tại Pháp, những hành vi quảng cáo sai sự thật bị phạt tới hàng triệu đô la. Tại Áo, có một hội đồng thẩm định độc lập trước khi clip, hình ảnh quảng cáo được phát tới người tiêu dùng. Chính vì vậy mà những quảng cáo “vô duyên, phản cảm” sẽ bị cho vào danh sách cấm.
Còn ở Việt Nam, trách nhiệm thẩm định phim quảng cáo hoàn toàn thuộc về các đài truyền hình, giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.