"Bắt" Cụ Rùa không dễ
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết: Thật ra, hiện nay chúng ta mới chỉ biết Cụ Rùa Hồ Gươm bị thương, chứ mức độ bị thương nặng nhẹ thế nào, thì chưa ai rõ. Trong khi còn chưa biết nặng hay nhẹ, cách tốt nhất là tiếp tục theo dõi thay vì vội vàng đưa cụ lên ngay bờ.
|
Đưa Cụ Rùa lên bờ không dễ |
Thực tế, so với nhiều loài, rùa là loài sống lâu, khả năng chịu đựng rất lớn. Hơn thế, hiện nay đang vào thời kỳ mùa đông, rét mướt, nếu đưa cụ rùa lên, liệu cụ rùa có chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của mùa đông? Trong khi đó, Cụ Rùa đang sống ở rất sâu dưới nước, nơi đó có lớp bùn với khả năng giữ nhiệt rất tốt.
Rùa là loài động vật hít thở không khí là chính, việc đưa Cụ Rùa lên bờ trong khoảng thời gian ngắn không phải là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, phải cân nhắc các yếu tố thời tiết, môi trường sống cũng như thức ăn dựa trên đặc tính loài của cụ rùa. Ngoài giá trị về loài, Cụ Rùa hồ Gươm còn mang ý nghĩa lịch sử. Việc chữa trị phải tiến hành rất cẩn trọng.
GS Võ QuýGS Võ Quý, chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho rằng, phải xem Cụ Rùa có bị thương hay không rồi mới tính đến các phương án chữa trị. Đối với những vết thương nhỏ ở động vật thì nó sẽ tự lành.
Đưa Cụ Rùa lên bờ để chữa trị là cách làm tốt, có thể tranh thủ lấy mẫu AND để kết luận Cụ Rùa thuộc nhóm nào, bởi hiện nay mới chỉ biết đó là một loài mới. Nếu bị thương thì có thể cho một chút kháng sinh vào vết thương để chữa trị. Người ta chỉ cân nhắc yếu tố tâm linh.
Tuy nhiên, có một vấn đề là không dễ để bắt được Cụ Rùa. Trước đây, người ta đã từng lội xuống hồ để bắt cụ nhưng không tìm thấy đâu. Lúc 6 thợ lặn bất lực ngoi lên mặt nước thì Cụ Rùa lại nổi lên ngay sau lưng. Trong khi đó, không thể dùng phương pháp đánh bắt thông thường với Cụ được.
GS.TSKH Huỳnh khuyên, cách tốt nhất là theo dõi chặt chẽ, có thể bằng cách gắn chip theo dõi quá trình vận động của Cụ rồi mới tính đến việc có "can thiệp" đưa Cụ lên bờ không.
"Dù thế nào, Cụ Rùa đã sống ở Hồ Gươm hàng trăm năm, quen với môi trường sống ở đó. Việc đưa Cụ Rùa lên bờ, đưa Cụ vào một môi trường sống mới, ít nhiều, Cụ sẽ bị ảnh hưởng", GS.TSKH Huỳnh nói.
Đừng phó mặc cho tự nhiên
TS Nguyễn Văn Sáng, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lại ủng hộ quản điểm đưa Cụ Rùa lên bờ chữa trị.
"Chúng ta không thể phó mặc vào tự nhiên, phó mặc vào sự may rủi, vết thương không được chữa trị có thể sẽ nặng thêm. Cách tốt nhất là đưa Cụ Rùa lên để chăm sóc", TS Sáng nói.
Cũng theo TS Sáng, để đảm bảo Cụ Rùa khi đưa lên bờ không bị "bỡ ngỡ" với môi trường sống mới, cách tốt nhất là chúng ta phải làm một cái bể lớn, đặt gần đó, sau đó bơm nước từ dưới hồ lên để đảm bảo Cụ Rùa khi đưa lên khỏi mặt hồ vẫn được sống trong môi trường cũ.
Nước trong hồ sau khi được bơm lên sẽ được làm vệ sinh, diệt khuẩn. Trong điều kiện thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, các nhà khoa học hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp để giữ nhiệt độ sao cho Cụ Rùa "không bị rét". Sau đó, Cụ Rùa sẽ được các bác sỹ kiểm tra, chăm sóc và chữa trị để vết thương chóng lành.
TS Sáng cho rằng, việc đưa Cụ Rùa lên bờ cần phải được tính toán cẩn thận, cứ nhảy bừa xuống hồ thì khó mà đưa Cụ lên được bờ. Cách tốt nhất là thường xuyên theo dõi. Nếu thấy Cụ Rùa ở khu vực nào thì cần thả lưới, khoanh vùng lại đoạn đó. Sau đó thu hẹp khoảng cách của lưới (làm giống như chúng ta đánh bắt cá). Cách đó mới mong đưa được Cụ Rùa lên.
Theo Bee
Vui lòng nhập nội dung bình luận.