Chưa có quy hoạch thật, giá đất phía Đông Hà Nội đã bị "thổi" chóng mặt

Trần Kháng Chủ nhật, ngày 14/11/2021 07:06 AM (GMT+7)
Nhiều "cò đất" lợi dụng thông tin quy hoạch chưa có thật để "kích sóng" bất động sản, tạo ra sôi động và giá đất đẩy lên ở mức rất cao, khiến người mua gặp rủi ro lớn.
Bình luận 0

"Thổi phồng" tin đồn quy hoạch để đẩy giá đất

Mới đây, thông tin quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố đã khiến thị trường khu vực phía Đông của Thủ đô trở nên sôi động. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản đi vào hoạt động, cùng hàng loạt tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất thổ cư, đất vườn, đất trang trại… xuất hiện la liệt trên đường to, ngõ nhỏ của khu vực này.

Khảo sát PV Dân Việt tại huyện Sóc Sơn, ngoài đất thổ cư, "cò đất" còn rao bán rầm rộ đất lâm nghiệp, đất rừng... Trên trang rao bất động sản, đất rừng có sổ lâm bạ ở thôn Lâm Trường được một số hộ chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất vườn quả, trong đó có một phần diện tích được xây công trình trông coi đang được rao bán cho những người có nhu cầu xây homestay, biệt thự nghỉ dưỡng với giá 130 – 140 triệu đồng/1 sào (360 m2)…

Chưa có quy hoạch thật, đất đã bị đẩy giá "ảo" - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư đi "gom" đất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Hồng Hương

Trước đó, cũng tại Hà Nội, thông tin về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cũng đã khiến cho cả vùng đất bãi dậy sóng. Dù chưa rõ ràng về thông tin các quy hoạch, nhưng nhiều "cò đất" đã mời gọi, tô vẽ cho vùng bãi bồi ven sông những mỹ từ để thu hút nhà đầu tư xuống tiền rồi "vỡ mộng", vì trót mua phải đất công, không thể chuyển đổi sang đất thổ cư. 

Không chỉ có vậy, giá đất được đẩy lên còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Nhiều hộ dân đã tranh thủ cơi nới, san lấp ao, ruộng, bãi bồi, vườn để sẵn sàng rao bán.

Giá đất lên cao còn làm khó khâu giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi. Do đó, các địa phương cũng đã đưa ra những giải pháp, khuyến cáo để hạn chế tình trạng lợi dụng thông tin quy hoạch chưa rõ ràng nhằm trục lợi từ đất.

Giá bất động sản không tăng theo thông tin "hơi"

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính- Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư khi xuống tiền mua bất động sản ở những khu vực có thông tin quy hoạch ban đầu đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, tìm cách "cắt lỗ", thậm chí chẳng ai mua nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.

"Khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để "kích sóng" nhằm tạo "sóng mới" trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa va vấp bị dính vào", ông Đính nhấn mạnh.

Chưa có quy hoạch thật, đất đã bị đẩy giá "ảo" - Ảnh 3.

Đất trồng rừng tại Sóc Sơn (Hà Nội) cũng được rao bán "ăn theo" thông tin quy hoạch chưa thật. Ảnh: Trần Kháng

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam Nguyễn Văn Đính, hiện nay còn có tình trạng nhiều môi giới lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn, các "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản để "đẩy sóng" bán hàng. Bằng chứng là việc môi giới đi thu gom đất nông nghiệp, san lấp sau đó tách thửa. Để khi hoàn tất thủ tục, sẽ triển khai phân lô, bán nền nhằm kiếm lời.

Cũng theo ông Đính, với thông tin đầu tư thật "ăn theo" việc xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo,… bắc qua sông Hồng cũng góp phần làm tăng giá trị bất động sản ở những vùng đó lên. Nhưng việc tăng giá này chỉ mang tính nhất thời vì thực tế cho thấy khu vực nào có cầu đi qua sẽ tạo nên hệ thống hành lang, vành đai rồi những vùng đệm, vùng an toàn bảo vệ cầu nên chiếm mất không gian khiến việc kinh doanh, buôn bán không sầm uất, do đó không tạo ra giá trị cho bất động sản. 

"Trên thực tế, hiện nay tôi cũng đồng ý rằng có sự bùng nổ về giá ở một số khu vực khi có thông tin về quy hoạch nhưng mà tất cả những điều đó chỉ mang tính tận dụng, lợi dụng thông tin để đẩy "sóng" thị trường lên và những điều đó không phải là sự thật", ông Đính khẳng định.

Cũng chia sẻ về vấn này, KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào.

"Bên cạnh đó, người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch không được thực hiện, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá bất động sản", ông Tùng khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem