Chưa dạy “trúng” nghề nông dân cần

Thứ năm, ngày 16/09/2010 06:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghề may, nghề điện tử... sẵn thiết bị nhưng không người học, trong khi các nghề nông dân cần học thì các trung tâm dạy nghề không thể đáp ứng. Đó là thực tế đang diễn ra tại TP.HCM.
Bình luận 0

Lớp vắng học sinh

6 tháng đầu năm 2010, Trung tâm Dạy nghề quận 9 tổ chức đào tạo nghề cho 212 lao động nông thôn, giảm đến 155 học viên so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Đặng Văn Đại - Giám đốc Trung tâm cho hay, nghề hàn, tiện, cơ khí dễ xin việc nhưng khó học, thời gian đào tạo lâu nên chỉ có 5-7 người học.

img
Học viên tại Trung tâm Dạy nghề quận 9, TP.HCM.

Hơn nữa, nông dân quận 9 đang được đền bù vì lấy đất để quy hoạch khu đô thị nên không hứng thú học nghề. Mặc dù Trung tâm đã phổ biến thông tin đến người dân bằng băng rôn, tờ rơi… thậm chí xuống tận nơi dạy nhưng bà con vẫn không mặn mà vì nghĩ có tiền rồi thì cần gì học nghề.

Một nguyên nhân khác khiến việc dạy nghề cho lao động nông thôn thiếu khởi sắc là học phí các ngành học khá cao trong khi hỗ trợ thấp. Theo ông Trần Nguyễn Quốc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận 9, ngành sửa điện thoại di động có mức học phí trên 5 triệu đồng, trong khi theo Quyết định 1956 của Thủ tướng, lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ 2-3 triệu đồng/người/khóa học nghề. Phải đóng thêm tiền là lý do khiến nhiều lao động ngại ngần.

Nghề cần không dạy, nghề dạy không cần

Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, TP.HCM còn có chính sách dạy nghề khác theo Quyết định 156 của thành phố cho dân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư. Ông Lê Công Khanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức cho biết, nông dân học nghề được thành phố hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/người nên họ đổ xô đi học. Vì tiền trợ cấp gấp đôi, có thể học những nghề tốt hơn mà bà con đang cần.

Những năm trước đây, lớp lao động nông thôn của Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh vắng như chùa Bà Đanh.

Kinh phí Sở LĐ-TB&XH rót xuống vẫn còn nguyên. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền và đã có 313 học viên, nhưng một số nghề mở ra mà không có người học.

Ông Phú Ngọc Can - Giám đốc Trung tâm than thở, máy móc phục vụ cho ngành may, điện tử vẫn trùm mền vì không có ai đến học. Hàng năm, Trung tâm phải bỏ ra một khoản tiền lớn để bảo quản thiết bị.

Nguyên nhân do trên địa bàn huyện Bình Chánh có nhiều công ty may tuyển nhân viên với ưu đãi như: Học miễn phí, bao tiền ăn và nhận vào làm việc ngay nên lượng học viên đều đổ dồn về đó. “Tham khảo một số cửa hàng sửa điện tử, họ bảo đồ điện bây giờ rẻ nên ít người đến sửa lắm. Vì thế mà ngành điện tử cũng chẳng ai ngó đến” - ông Can tâm sự.

Trang thiết bị lạc hậu cũng là nguyên nhân khiến lớp học chỉ lác đác vài người. Ông Can cho biết thêm, máy móc ở Trung tâm tương đối đầy đủ nhưng công nghệ cũ kỹ, toàn những máy của 10 năm về trước. Học viên ra trường về các công ty làm việc, tiếp xúc với máy tiên tiến lại phải học lại từ đầu. Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh đang đề xuất lên Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hỗ trợ 1,4 tỷ đồng để Trung tâm nâng cấp, tăng cường thiết bị dạy nghề hiện đại hơn.

Hiện TP.HCM vẫn chưa xác định nghề cụ thể dạy cho nông dân, riêng về lĩnh vực nông nghiệp thì cũng mới chỉ ra một số ngành chung chung như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ngư nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản...Mà những nghề này, các Trung tâm dạy nghề cấp huyện không tổ chức lớp được.

Nhiều nông dân đến Trung tâm muốn học nghề sinh vật cảnh nhưng Trung tâm không có giáo viên và cơ sở để dạy. “Bà con rất muốn làm giàu trên mảnh đất của mình bằng cách trồng hoa lan, nuôi nhím, nuôi dế,… vì chiếm diện tích ít mà đem lại hiệu quả cao” - ông Đại cho biết thêm.

Đó cũng là bài toán mà TP. HCM cần giải quyết khi xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem