|
Vẫn chưa có sự hạ lãi suất đồng loạt từ các ngân hàng. |
Nguy cơ mất khách hàng
Trao đổi với NTNN ngày 8-7, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo đầy đủ từ phía các ngân hàng thương mại về việc thực hiện giảm lãi suất huy động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại thông báo vào đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 7 phải thực hiện hạ lãi suất huy động với lộ trình đảm bảo về mức 10% vào thời điểm tháng 10 tới đây.
Đến thời này, một số ngân hàng thương mại đã thực hiện việc hạ lãi suất theo lộ trình như: Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từ 7-7 giảm mạnh lãi suất huy động VND ở tiết kiệm bậc thang và tiết kiệm rút gốc linh hoạt.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm bậc thang được điều chỉnh với các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng dao động từ 11,05 - 11,18%/năm và đồng loạt ở mức 11,2% với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) đã giảm lãi suất huy động xuống mức 11,2 - 11,4%/năm ở các kỳ hạn.
Tại Ngân hàng An Bình (ABBank), lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn chỉ còn 11,2%, cả với tiền gửi doanh nghiệp lẫn dân cư. Tại Navibank, Saigonbank và VietABank, lãi suất huy động VND hiện chỉ từ 11 - 11,2%/năm.
Trong khi đó, tại một số ngân hàng lớn, cả ở quốc doanh lẫn cổ phần, lãi suất huy động VND tính đến ngày 7-7 vẫn còn giữ ở mức 11,5%, thậm chí cao hơn. Một cán bộ của Ngân hàng Quốc tế (VIB) nhận định, việc giảm lãi suất huy động sẽ được thực hiện nhưng mức cụ thể phải chờ công bố của lãnh đạo nên chưa biết vào thời gian nào.
Nếu trong những ngày tới, những ngân hàng còn lại không hạ lãi suất huy động, các ngân hàng đã hạ và có biểu thấp hơn sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh huy động và nguy cơ mất khách hàng là khó tránh khỏi.
Doanh nghiệp ngóng chờ ngân hàng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho của sản xuất công nghiệp vào thời điểm ngày 1-6 đã tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2009. Với mức lãi suất cao, 6 tháng đầu năm 2010 là thời điểm nhiều doanh nghiệp chọn "giải pháp" sản xuất "cầm chừng", không mở rộng sản xuất do mức lãi suất quá cao.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nói: Do lãi suất quá cao nên chi phí đầu vào cho sản xuất cũng tăng dẫn tới việc tồn kho của nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua là không thể tránh khỏi. Việc hạ lãi suất trong thời điểm này là hướng đi rất hợp lý, doanh nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá trong 6 tháng cuối năm, khi tiếp cận được với nguồn vốn vay hợp lý hơn. Việc hạ lãi suất vẫn phải phụ thuộc vào từng ngân hàng, các ngân hàng lớn với tính thanh khoản tốt có thể thực hiện việc hạ lãi suất ngay, nhưng những ngân hàng nhỏ khi thực hiện chắc chắn sẽ gặp những khó khăn.
“Trong trường hợp đó Ngân hàng Nhà nước cần có sự hỗ trợ để giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục kinh doanh. Nhưng theo tôi, vào thời điểm hiện tại, điều quan trọng nhất là phải giám sát chặt chẽ lộ trình hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại để đảm bảo tính công bằng và khách quan trong hoạt động kinh doanh".
Theo cam kết của các Ngân hàng thành viên với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), sẽ hạ dần lãi suất huy động với lộ trình trong khoảng 3 tháng xuống còn 10,2-10,5%/năm vào cuối tháng 9. Khi đã hạ được lãi suất huy động, sẽ có điều kiện hạ lãi suất cho vay, đồng thời có điều kiện cải thiện giới hạn chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra cho các ngân hàng. Hiện một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất cho 12,5-13,5%/năm cho ba nhóm đối tượng ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.