Có một số ý kiến “mạnh bạo” và nhiều người nghĩ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thật sự khởi sắc. Tôi không nghĩ thế.
Kinh tế sa sút, nợ xấu tăng cao, giá vàng chênh lớn với giá thế giới, thu ngân sách giảm, khó có nguồn để tăng lương tối thiểu cho công chức… những vấn đề thời sự nóng bỏng và cũng được phản ánh phần nào trong thảo luận ở Quốc hội và các phiên chất vấn, hâm nóng “nghị trường”. Đáng tiếc, tôi chưa thấy ý kiến nào có thể góp phần tìm ra giải pháp để giải quyết mà chủ yếu vẫn là bày tỏ sự bức xúc, thậm chí nhiều ý kiến không đúng hay không xác đáng. Bày tỏ bức xúc là cần nhưng không phải là việc chính của các ông bà nghị.
Bàn sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai, chống tham nhũng đấy là những vấn đề cơ bản, dài hạn và cốt yếu. Ngoài ý kiến của ông Dương Trung Quốc về từ chức và một số ý kiến có vẻ “mạnh” về sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai (như về sự phúc quyết của nhân dân, về tòa án bảo hiến, bỏ thu hồi đất…), còn lại đại bộ phận các ý kiến về các vấn đề này hết sức mờ nhạt.
Ngay cả những ý kiến “mạnh bạo” cũng thật mạnh bạo chưa? Tôi nghĩ là chưa. Lẽ ra các đại biểu Quốc hội phải sát dân hơn và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về những ý kiến hay đề xuất của mình và thường xuyên phải “mạnh bạo”, nhưng đáng tiếc họ đã không làm được như vậy.
Nông dân ba xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan (thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã gửi giấy mời các đại biểu Quốc hội xuống địa phương họ ngày Chủ nhật 18.11.2012 để xem xét tình hình cụ thể ở đó, để có thực tế giúp cho thảo luận sửa đổi Luật Đất đai. Đáng tiếc không có vị “dân biểu” nào về. Hay họ bận chuẩn bị cho phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được truyền hình trực tiếp vào hôm sau (19.11)?
Tại phiên thảo luận này, hầu như tất cả đều nhất trí với quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và sa đà vào những tiểu tiết làm nhẹ bớt những vấn đề do chính quy định này gây ra. Không hiểu có vị nào đã từng xuống nghe người dân ở đó? Hay họ chỉ đọc hoặc nghe báo cáo của chính quyền? Có ủy ban nào của Quốc hội đã từng xuống đó khảo sát?
Giá mà các đại biểu Quốc hội đã bỏ vài giờ về với dân, lắng nghe dân, thì chắc chắn họ sẽ có cơ sở vững chắc hơn để đòi quyền sở hữu đất đai cho dân và bỏ cái khái niệm xa lạ, mới được “nhập khẩu” vào nước ta vài ba chục năm qua về “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” - khái niệm đã gây ra bao đau khổ, rắc rối cho nhân dân và đất nước, và mạnh bạo bỏ phiếu loại nó ra khỏi Hiến pháp và Luật Đất đai (dẫu ai đó đã bảo họ là vẫn phải giữ nguyên thế) nếu họ thực sự vì dân vì đất nước.
Chưa có khởi sắc trong các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cả.
Nguyễn Quang A
Vui lòng nhập nội dung bình luận.