Hiện ở Long An, giá chanh tại vườn thương lái mua với giá 21.000 - 22.500 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng chanh vụ nghịch này khá thấp.
Chống trộm bằng camera
Câu chuyện ông T.V.B. ở ấp 6 (Lương Hòa, Bến Lức) mất trộm khoảng 1 tấn chanh vào tuần trước giờ vẫn còn râm ran trong giới trồng chanh tại huyện này. Bởi việc mất trộm cả tấn chanh chưa bao giờ xảy ra tại địa phương này xưa nay. Và thời điểm này, khi giá chanh tăng “nóng”, mất trộm 1 tấn chanh giá trị khá cao.
Sản lượng chanh không hạt vụ nghịch khá thấp khiến nhiều nông dân không vui dù được giá. Ảnh: T.T
Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Long An sẽ phát triển trên 10.000ha chanh, trong đó phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. |
Bà Nguyễn Thị Nguội - một nông dân trồng chanh gần đấy cho biết, sau khi nghe ông B mất trộm chanh, bà đã gọi thương lái bán ngay vườn chanh nửa mẫu. “Nông dân trồng chanh vất vả lắm. Giờ là lúc miếng ăn đến miệng mà để mất trộm thì đau đớn vô cùng” - bà Nguội bộc bạch.
Ông Sáu Phước (xã Lương Hòa, Bến Lức), chủ một vườn chanh 1,5ha ở xã Thạnh Lợi cũng cho biết, từ ngày chanh tăng giá “nóng” thì tình trạng nông dân mất trộm chanh cũng tăng theo: “Bọn trộm rình chủ vườn chanh, cứ thấy không có chủ thì chúng lượn đến lặt trái. Mất một giỏ chanh vài chục ký là nông dân mất toi vài trăm ngàn đồng”.
Cũng theo ông Phước, thời gian qua các chủ vườn chanh đã tăng cường biện pháp chống trộm. Có người phải ra chòi ngủ để giữ vườn, chí ít cũng phải có mặt ở vườn vài giờ để bọn trộm nhận diện mà tránh. Một số vườn thì mua lưới kẽm làm hàng rào xung quanh vườn chanh chống trộm.
Thậm chí, có trường hợp mua camera gắn xung quanh vườn chanh chống trộm như ông V ở xã Thạnh Lợi (Bến Lức). Theo anh Luông - người làm công cho ông V, hiện vườn chanh 2ha này ông V đã bố trí hơn chục camera quanh vườn. “Chưa mất trộm chanh ở vườn nên không biết hiệu quả đến đâu, nhưng có chục cái mắt thần canh giữ ngày đêm chắc bọn trộm chẳng dám mò tới” - anh Luông cười nói.
Vẫn chưa hết cảnh được giá mất mùa
Hiện, toàn tỉnh Long An có gần 9.500ha chanh, trong đó có hơn 7.400ha đang cho trái, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Bình quân mỗi ha chanh cho năng suất hơn 20 tấn/năm. Với mức giá hiện tại, sau khi trừ mọi chi phí, bà con trồng chanh có thể thu lãi hơn trăm triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Thị Nguội đang thu hoạch “chạy” vườn chanh để ngừa bị trộm cắp. Ảnh: T.T
Theo tìm hiểu của phóng viên, có thể thấy, vụ nghịch này chanh không hạt cho sản lượng rất thấp, khiến giá chanh tươi tăng cao. Nhiều nông dân cho biết, bên cạnh thời tiết đỏng đảnh thì làm chanh không hạt trái vụ nghịch cũng đòi hỏi tay nghề cao, không phải ai cũng đáp ứng được.
“Tui trồng chanh không hạt được 4 năm nay nhưng phải thừa nhận tui không dám làm trái vụ nghịch” - ông Sáu Phước thừa nhận.
Theo ông Phước, làm trái vụ nghịch cho tranh không hạt ngoài tay nghề cao, nông dân phải có vốn để mua phân bón, thuốc BVTV đầu tư vườn chanh. “Nếu đầu tư không tới, dù chanh cho ra bông nhiều thì cũng rụng hết chứ không đậu trái. Và nếu thế, nông dân sẽ ôm nợ thêm” - ông Sáu Phước cho biết.
Vụ nghịch chanh không hạt này, ông Sáu Phước tính chỉ thu được khoảng 1 tấn trái, trong khi sản lượng trung bình chanh không hạt ở Long An là 15 tấn/ha.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - chủ vườn chanh không hạt 5.000m2 ở Thạnh Lợi cũng cho biết, vụ nghịch này sẽ thu chanh không hạt khoảng 4 lần. Mỗi lần cũng chỉ khoảng 300-400kg. “Năng suất rất thấp, cây ra hoa rồi rụng gần hết chứ không đậu trái” - bà Nhung cho hay.
Nhiều năm qua, chanh không hạt được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân tỉnh Long An. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 doanh nghiệp thu mua chanh, phần lớn để xuất khẩu. Trong đó, trên địa bàn có khoảng 200ha chanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được công ty bao tiêu đầu ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.