|
Niềm vui của các đại biểu về Thủ đô tham dự Đại hội. |
Những niềm tự hào
Phóng viên NTNN gặp chị Rơ Châm H'yéo - đại biểu tỉnh Gia Lai khi đang mang những chiếc huân, huy chương ra cài lên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Gia Rai mà chị sẽ diện trong những ngày diễn ra Đại hội...
Người phụ nữ này từng đảm nhận nhiều vị trí công tác: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai. Chính chị là người đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền tỉnh cho dịch ra tiếng Gia Rai thư của Bác Hồ gửi "Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam" (tổ chức tại Pleiku ngày 19-4-1946). Hai bản tiếng phổ thông và tiếng Gia Rai của bức thư đã được khắc lên đá, in thành khổ lớn, đóng khung treo trang trọng ở hàng ngàn gia đình, nhà rông, hội trường xã, nhà thờ...
"Những lời mộc mạc Bác Hồ viết trong thư có sức động viên kỳ lạ. Nhờ nó, các dân tộc Tây Nguyên không tiếc xương máu, của cải góp phần cùng bộ đội đánh giặc và xây dựng đất nước”, mắt đỏ hoe, giọng chị H’Yéo trầm xuống xúc động.
Đến từ tỉnh Cao Bằng, ông Triệu Đình Lê rất tự hào về quê hương cách mạng Hà Quảng với địa danh Pác Bó-nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân khi về nước vào mùa xuân năm 1941 sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Quá trình xây dựng sản phẩm du lịch Pác Bó theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế là một trong những câu chuyện ông Lê và 3 đại biểu của huyện Hà Quảng muốn chia sẻ trong Đại hội...
Đây là lần đầu tiên, lão nông Trần Lưu (dân tộc Kh,mer) ở ấp Bưng Triết, xã Lưu Tốn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng ra Hà Nội. Ông Lưu trồng lúa giỏi, mỗi năm lãi gần 300 triệu đồng. Ông tâm sự: "Hơn 3 ngày đi từ Nam ra Bắc, tôi mở mang đầu óc ra nhiều. Đất nước mình đẹp quá! Tôi đã gặp nhiều người thuộc nhiều dân tộc, học hỏi được nhiều cách làm ăn để về chia sẻ với bà con trong ấp...".
Những “sứ giả” của buôn làng
Câu chuyện chị Lâm Thị Lanh, dân tộc Chăm, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận muốn chia sẻ tại Đại hội là tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Xã của chị có 2 dân tộc là Ra Glây và Chăm. Trong cộng đồng người Chăm có gia đình theo đạo Bà La Môn, có gia đình theo đạo Hồi. Người Chăm theo đạo Hồi lại chia ra là người theo đạo Hồi mới và người theo đạo Hồi cũ. "Tuy khác nhau về văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng, nhưng bà con các dân tộc trong xã rất đoàn kết và chung một niềm tin vào tương lai tươi sáng của quê hương đất nước”.
Cùng với những câu chuyện vui, các đại biểu còn là sứ giả mang nguyện vọng của bà con dân tộc mình gửi tới Đại hội.
Ông A Glá, dân tộc Rơ Măm, ở làng Le Rơ Măm, xã Mơ Rai, Sa Thầy, Kon Tum thổ lộ: "Người Rơ Măm cảm ơn lắm lắm về những hỗ trợ, đầu tư của nhà nước. Bà con nông dân xã tôi bảo, muốn đẻ hơn 2 con thì kinh tế phải vững, muốn vậy phải trồng cây cao su. Bà con mong nhà nước cho vay vốn ưu đãi dài hạn 5 năm...".
Người dân Kh,mer ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng gửi gắm ông Trần Lưu báo cáo và đề nghị nhà nước cho xây thêm nhiều trường mầm non, cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, nâng chỉ tiêu cử tuyển vào đại học, cao đẳng cho con em dân tộc Kh,mer...
Chị Rơ Châm H'yé vui vẻ khoe rằng, trước lúc chị lên đường ra Thủ đô, bà con đến chia tay đông chật nhà. Ai cũng muốn chị “nói hộ” để nhà nước tiếp tục hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi; cây giống cao su, cà phê, bời lời...
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.